Chào mừng Quý Khách đến với Công ty luật Hoàng Minh

Báo cáo 45/BC-BCT của Bộ Công Thương về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội khoá XII, kỳ 5

BỘ CÔNG THƯƠNG

-------------

Số: 45/BC-BCT

V/v: Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội khoá XII, kỳ 5

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------

Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2009

 

 

Kính gửi: Các vị Đại biểu Quốc hội

 

Tại kỳ họp này, Bộ Công Thương đã nhận được chất vấn của 25 vị Đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực công nghiệp và thương mại như: Quy hoạch và các dự án bôxit; giá điện; quản lý thị trường; vấn đề điều hành xuất khẩu gạo; kích cầu tiêu dùng và xúc tiến thương mại trong nước... Bộ Công thương đã có văn bản trả lời kịp thời gửi tới các vị Đại biểu Quốc hội, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội có liên quan.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xin phép được báo cáo và giải trình với Quốc hội 6 nhóm vấn đề được các vị Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm là (1) : Việc điều chỉnh biểu giá bán điện, (2): tình hình xuất khẩu gạo và cơ chế điều hành, (3): Một số vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý thị trường, (4): Tình hình triển khai các Chương trình hỗ trợ cho gói kích cầu tiêu thụ nội địa của Chính phủ, (5): Tình hình thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông dân và (6): các nội dung liên quan tới quy hoạch bô xít.

1. Về việc điều chỉnh biểu giá bán điện

a) Lý do điều chỉnh giá điện

Theo Quyết định số 276/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện thì lẽ ra giá điện bình quân đã được tăng từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Nhưng trước tình hình lạm phát xảy ra trong năm 2008, để ưu tiên thực hiện các nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát của Chính phủ, việc tăng giá bán điện phải lùi sang đầu năm 2009.

Mặt khác, qua kiểm tra kết quả sản xuất kinh doanh điện, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước về tình hình tài chính năm 2007 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, sau gần hai năm thực hiện biểu giá điện áp dụng từ 01 tháng 01 năm 2007, trước những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, những thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện, biểu giá bán điện hiện nay không còn phù hợp, không phản ánh đúng và đủ chi phí đầu vào của ngành điện, cũng như không đáp ứng được khả năng trả nợ và vay vốn đầu tư các công trình mới của các đơn vị điện lực. Vì vậy, việc điều chỉnh mức giá điện bình quân năm 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường, như lộ trình đã được phê duyệt tại Quyết định 276/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ càng trở nên cấp thiết. Do đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã thành lập Tổ công tác liên ngành xây dựng giá bán điện, gồm có đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và EVN để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Thời điểm điều chỉnh biểu giá bán điện cũng được Tổ công tác nghiên cứu, cân nhắc và trình Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm mà mặt bằng giá ở mức thấp, tránh gây tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Vì thế mức tăng giá bình quân 1 kwh điện theo biểu giá mới chỉ có 8,92 %.

b) Mục tiêu điều chỉnh giá điện

Mục tiêu chính của việc điều chỉnh giá điện lần này, nhằm từng bước làm cho giá điện phản ánh đúng chi phí của quá trình sản xuất kinh doanh điện, đưa ra những tín hiệu đúng cho việc thu hút đầu tư vào ngành điện và nhằm khuyên khích doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng điện một cách tiết kiệm và hiệu quả.

c) Nội dung điều chỉnh biểu giá bán điện

Một số nội dung điều chỉnh như sau:

- Về điều chỉnh mức sử dụng điện sinh hoạt ở nấc thang đầu tiên:

Tuy biểu giá điện trước tháng 3 năm 2009 đã được thiết kế theo tinh thần trợ giá cho đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng này. Tuy nhiên, vẫn còn có những điểm bất hợp lý, đó là tượng bù chéo còn lớn từ các bậc thang cao cho các bậc thang thấp trong biểu giá bậc thang điện sinh hoạt. Đối với các bậc thang thấp (từ mức dưới 150 kwh trở xuống) giá bán điện thấp hơn giá bán bình quân của ngành điện và để đảm bảo không bị lỗ các bậc thang từ trên 150 kwh phải trả cao hơn giá bán bình quân để bù cho các bậc thang dưới.

Bình quân, mỗi kwh điện của các bậc thang trên (từ mức trên 150 kwh) khách hàng phải trả bù cho các bậc thang thấp khoảng 390 đồng. Theo số liệu thống kê, tới cuối 2008 cả nước có khoảng 12,1% số hộ thuộc diện nghèo, trong khi đó, theo số liệu hoá đơn sử dụng điện, số hộ có mức sử dụng điện bình quân dưới 50kWh/tháng trong năm 2008 chiếm 23% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt ở các vùng do các Công ty điện lực trực tiếp bán điện và chiếm trên 50% ở những vùng nông thôn miền núi do các tổ chức kinh doanh điện nông thôn bán lẻ điện. Như vậy, nếu thực hiện trợ giá cho 100kWh đầu như thời điểm trước tháng 3 năm 2009, thì ngoài toàn bộ số hộ thuộc diện nghèo và một số lượng lớn số hộ có thu nhập thấp cả ở thành phố và nông thôn được hưởng chính sách bù giá điện của Chính phủ, còn có một số lượng không nhỏ những đối tượng ngoài diện trên cũng được trợ giá. Vì vậy, có thể nói việc áp dụng bậc thang đầu ở mức 100 kwh làm cho chính sách bù giá của Chính phủ cho người nghèo và người có thu nhập thấp chưa được thực hiện đúng.

Do đó, việc giảm bậc thang đầu tiên từ 100 kwh xuống còn 50 kwh đối với giá điện sinh hoạt vừa vẫn đảm bảo cho các hộ nghèo và một số lượng lớn hộ thu nhập thấp được sử dụng điện với giá bao cấp, vừa giảm được lượng bù giá cho các hộ không thuộc diện nghèo, giúp cho chính sách bù giá điện của Nhà nước được thực hiện đúng đối tượng. Theo thiết kế biểu giá bán lẻ hiện nay bậc thang đầu tiên của biểu giá điện sinh hoạt (từ 0-50 kwh) được giữ ở mức thấp hơn từ 35 - 40% giá bán điện bình quân.

Đối với các hộ sử dụng điện ở mức từ 51 đến 100kwh/tháng, vì cũng là các hộ cận nghèo và có thu nhập không cao nên giá bán cho bậc thang này được tính bằng giá thành bình quân sản xuất kinh doanh điện, ngành điện không có lãi. Các bậc thang cao hơn của biểu giá sẽ được điều chỉnh với mức độ khác nhau, cao hơn giá thành để đủ bù chéo cho các bậc thang thấp.

Ngoài ra, để việc bù giá điện được đúng đối tượng hơn nữa, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu cơ chế bù giá trực tiếp cho các hộ có mức tiêu thụ điện dưới 50kwh/tháng theo hoá đơn tiền điện thực tế hàng tháng để áp dụng từ những năm tiếp theo.

Theo tính toán, nếu hộ nghèo và thu nhập thấp chỉ sử dụng ở mức tới 50kwh/tháng thì chi phí tiền điện tăng thêm tối đa chỉ là 2.500 đ/tháng (theo biểu giá điện mới áp dụng từ 1/3/2009). Vì vậy, có những ý kiến cho rằng việc giảm chỉ số sử dụng điện ở bậc thang thứ nhất (từ 0 - 100kwh/tháng xuống 0 - 50kwh/tháng) làm người dân có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều do tăng giá điện là chưa chính xác và không có cơ sở. Các hộ dân sử dụng dưới 100kwh/tháng cũng chi phải trả thêm 18.250 đồng/tháng. Như vậy, có thể nói đa số hộ nghèo. hộ thu nhập thấp đều sử dụng dưới 100kWh/tháng và với biểu giá hiện nay thì việc tăng thêm tiên điện phải nộp là không đáng kể, và điều quan trọng là nhà nước vẫn duy trì trợ cấp giá cho các đối tượng nghèo.

- Về giá điện cao điểm buổi sáng

Trước năm 2007, hệ thống điện Việt Nam có tỷ trọng sản lượng điện tiêu thụ cao nhất là lĩnh vực ánh sáng sinh hoạt và dịch vụ, nên cao điểm hệ thống điện rơi vào các giờ buổi tối từ 17 giờ đến 22 giờ. Tuy nhiên, do nhu cầu điện cho sản xuất trong những năm qua luôn tăng với tốc độ rất cao (năm 2007 điện cho sản xuất chiếm tỷ trọng cao nhất, xấp xỉ 50% tổng sản lượng điện), nên giờ cao điểm hệ thống điện đã dịch chuyển một phần sang buổi sáng, từ khoảng 9h30 đến 11h30. Vì vậy, công suất hệ thống điện vào giờ cao điểm sáng đã cao hơn công suất vào giờ cao điểm tối. Qua số liệu vận hành hệ thống điện Việt Nam năm 2008 cho thấy biểu đồ phụ tải có một số đặc điểm sau:

+ Cao điểm hệ thống điện rơi vào 2 thời điểm buổi sáng (từ 9h30 đến 11h30) và buổi tối (từ 17h đến 20h).

+ Số ngày có phụ tải cực đại của hệ thống điện (Pmax) rơi vào cao điểm sáng chiếm tỷ lệ lớn hơn so với số ngày có Pmax hệ thống rơi vào cao điểm tối (144/261 ngày - 55,2%). Đặc biệt, có tới 11 ngày mức chênh lệch công suất giữa cao điểm sáng và cao điểm tối lên tới trên 500MW, cá biệt có ngày lên tới 978MW.

+ Có 7/12 tháng (từ tháng 3 đến tháng 9) Pmax hệ thống rơi vào buổi sáng, các tháng còn lại cao điểm sáng xấp xỉ với cao điểm tối.

Sự dịch chuyển biểu đồ phụ tải của hệ thống điện như mô tả ở trên là phản ảnh khách quan cơ cấu tiêu dùng điện hiện tại của cả nước, không phải ý muốn chủ quan của bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Tương ứng với biểu đồ phụ tải, giá điện cũng được thiết kế theo hướng khuyến khích sử dụng điện vào giờ thấp điểm hoặc không phải giờ cao điểm và tiết kiệm sử dụng giờ cao điểm; thực hiện theo hướng này còn làm cho tình hình cung cầu điện không bị căng thẳng, dẫn đến phải cắt điện vào giờ cao điểm do lưới điện hiện tại của nước ta vẫn vận hành trong tình trạng chưa có dự phòng, trong khi giờ thấp điểm lại phải giảm công suất phát của các nhà máy điện làm cho vận hành không kinh tế ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị phát điện...

Thực tế áp dụng biểu giá điện theo thời gian hơn 10 năm qua cho thấy, với việc áp dụng giá điện theo giờ cao - thấp điểm (mặc dù mới chỉ áp dụng cao điểm tối) chênh lệch công suất cao - thấp điểm hệ thống điện đã giảm đáng kể từ mức 2,5 lần năm 1996 xuống còn 1,6 lần năm 2008. Như vậy, đây là một biện pháp rất hiệu quả để khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và điều hoà biểu đồ phụ tải hệ thống điện. Tuy nhiên, do chưa làm tốt công tác tuyên truyền giải thích, vận động nên mặc dù biểu giá điện lần này được thiết kế khoa học hơn, phản ánh khách quan hơn tình hình tiêu thụ điện, nhưng vẫn vấp phải sự phản ứng của một số khách hàng sử dụng điện, nhất là các khách hàng sản xuất 1ca.

Vì vậy, sau khi đưa vào áp dụng biểu giá điện mới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo theo dõi tác động của việc tăng giá điện lần này. Trên cơ sở phản ánh của một số doanh nghiệp và sau khi kiểm tra thực tế tại các tỉnh Tiền Giang, Long An và thành phố Hà Nội, Bộ Công thương có các đánh giá bước đầu như sau:

+ Các doanh nghiệp sản xuất 3 ca (hoặc 2 ca), do đã áp dụng giá điện giờ cao điểm và số giờ áp giá cao điểm tăng không đáng kể, nên hầu hết các doanh nghiệp đồng tình với cơ chế giá giờ cao điểm sáng. Đối với các doanh nghiệp sản xuất 1ca, vì từ trước tới nay các doanh nghiệp này chưa phải trả tiền điện quy định đối với giờ cao điểm của hệ thống điện (buổi tối) nên khi phải trả giá điện giờ cao điểm sáng chi phí tiền điện theo tính toán tăng khoảng từ 2,26% - 22,6%. Tuy nhiên, mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất hoặc tổng doanh thu của doanh nghiệp khi áp dụng quy định giờ cao điểm ở mức tương đối nhỏ (0,04% - 0,76%). Vì vậy ảnh hưởng của việc áp dụng giá điện giờ cao điểm sáng tới chi phí sản xuất thực tế là không lớn như tính toán của một số doanh nghiệp mà báo chí đã nêu.

+ Tới nay tất cả các doanh nghiệp được kiểm tra đều mới tạm tính chi phí tiền điện phải trả tăng thêm dựa vào sản lượng tiêu thụ của các tháng trước tháng 3 năm 2009 hoặc của năm 2008, chưa phải là chi phí thực tế và chưa tính đến khả năng giảm chi phí tiền điện do sắp xếp lại thời gian sản xuất, giảm công suất không cần thiết trong giờ cao điểm sáng. Theo số liệu hoá đơn tiền điện thực tế tháng 3 và tháng 4/2009 của các hộ sử dụng điện áp dụng giá điện theo giờ, mức tăng tiền điện do áp dụng giá cao điểm sáng chỉ từ 1-2% trong tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, phần tăng còn lại là do tăng giá điện các giờ khác và tăng nhu cầu sử dụng điện chung của doanh nghiệp.

+ Quy định giá điện giờ cao. điểm sáng mới áp dụng được thời gian ngắn, các doanh nghiệp hiện đang bắt đầu sắp xếp, tổ chức lại sản xuất; ngoài ra, ở một số tỉnh, hệ thống công tơ điện tử còn chưa được cài đặt xong thông số Thời gian theo quy định mới nên kết quả kiểm tra tới thời điểm này chưa toàn diện và chưa đánh giá hết được khả năng tiết kiệm điện của doanh nghiệp sau khi dịch chuyển và cắt giảm nhu cầu điện vào giờ cao điểm sáng.

Vì vậy, để đánh giá được chính xác ảnh hưởng của việc áp dụng giá điện giờ cao điểm sáng đến sản xuất, Bộ Công Thương thấy rằng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ những thay đổi trong biểu đồ phụ tải hệ thống điện, tổng hợp số liệu chi phí tiền điện thực tế của ít nhất 3 tháng qua hoá đơn tiền điện (hiện nay các Công ty điện lực đang tổng hợp số liệu của tháng 5). Sau khi có được kết quả từ thực tế, nếu thấy thật sự ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất kinh doanh của đại đa số doanh nghiệp, Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp.

2. Tình bình xuất khẩu gạo và cơ chế điều hành

2.1. Tình hình xuất khẩu gạo

Tính đến ngày 04 tháng 6 năm 2009, sản lượng gạo xuất khẩu đã đạt 3,092 triệu tấn, trị giá 1,274 tỷ USD (FOB), 1,459 tỷ USD (CIF), tăng tương ứng 54,14% về số lượng, 29,3% trị giá FOB và 37,46% trị giá CIF so với cùng kỳ năm 2008, giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 411,52 USD/tấn

Đạt được kết quả này là do có sự linh hoạt trong việc điều hành hoạt động xuất khẩu ngay từ cuối năm 2008 và sự chủ động tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng tập trung của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cũng như nỗ lực giao dịch, ký kết hợp đồng thương mại của các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2009. Đồng thời giá gạo việt Nam cũng đạt được ở mức hợp lý với nhu cầu của các thị trường nhập khẩu lớn.

Theo kế hoạch của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, căn cứ vào tình hình đăng ký hợp đồng của các doanh nghiệp, xuất khẩu gạo tháng 6 sẽ đạt khoảng 650.000 tấn, cộng chung 6 tháng đầu năm 2009 dự kiến đạt 3,6 triệu tấn gạo các loại.

Theo báo cáo của hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 04 tháng 6 năm 2009, sản lượng gạo xuất khẩu đã được đăng ký qua hợp đồng là 4,189 triệu tấn. Hiện tại, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam đang thương thảo một số hợp đồng tập trung số lượng lớn nếu thành công sẽ tạo điều kiện cho việc tiêu thụ lúa hàng hóa những tháng còn lại của năm. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các doanh nghiệp phải mua lúa hàng hóa cho nông dân trong bất kỳ điều kiện thị trường nào.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với việc tiếp tục thu hoạch vụ Hè Thu và Thu Đông thì lượng gạo hàng hóa của các tháng cuối năm có thể đạt 2 triệu tấn. Như vậy, vấn đề đặt ra cho 6 tháng cuối năm là vừa tiêu thụ lượng gạo còn dư của 6 tháng đầu năm, vừa phải tiêu thụ thêm lượng gạo hàng hoá này.

2.2. Cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay, vai trò của Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Mục tiêu của việc điều hành xuất khẩu gạo được qui định tại Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 1 năm 2006 của Chính phủ, đó là bảo đảm an ninh lương thực, tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân, đồng thời phù hợp mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước. Hàng năm, tùy theo tình hình cụ thể, Thủ tướng Chính phủ có các văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành và cơ quan hữu quan tổ chức triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo nhằm đạt được mục tiêu nói trên.

Năm 2009, tại văn bản số 215/TTg-KTTH ngày 10 tháng 2 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành xuất khẩu gạo năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam để triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo; theo đó, giao Bộ Công thương chỉ đạo hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, chủ trì cùng các cơ quan hữu quan và Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo theo dõi tình hình kinh doanh, thị trường lúa gạo trong, ngoài nước; giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam vai trò điều phối trong hoạt động xuất khẩu gạo, bao gồm tăng cường công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu, hướng dẫn khung giá và tổ chức đăng ký các hợp đồng xuất khẩu linh hoạt dối với các hợp đồng thương mại...

Việc phân công trách nhiệm như trên được thực hiện theo nguyên tắc tăng cường quản lý nhà nước thông qua hệ thống pháp luật, chính sách, cơ chế định hướng và giám sát thực hiện; nâng cao và phát huy vai trò của của các Hiệp hội ngành hàng trong hoạt động xuất khẩu; hỗ trợ nâng cao năng lực tự điều hành, điều tiết của các doanh nghiệp thành viên trong các Hiệp hội ngành hàng theo các mục tiêu vĩ mô của Nhà nước đề ra, để đảm bảo lợi ích của các thành viên và lợi ích cộng đồng.

Tại văn bản số 170/TB-VPCP ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp bàn về công tác xuất khẩu gạo, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

- Trong những tháng còn lại của năm 2009, yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Hiệp hội lương thực Việt Nam tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa và tiếp tục điều hành xuất khẩu gạo theo các yêu cầu, mục tiêu của Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 1 năm 2006 của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn số 215/TTG-KTTH ngày 10 tháng 2 năm 2009 và các văn bản hướng dẫn liên quan của các Bộ, ngành và Hiệp hội lương thực Việt nam.

- Giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan nghiên cứu xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 1 năm 2006 của Chính phủ đối với cơ chế điều hành xuất khẩu gạo theo hướng:

+ Quy định hoạt động xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; hình thức thề hiện điều kiện kinh doanh và các điều kiện kinh doanh cụ thể (có đăng ký kinh doanh lúa gạo nội địa, có đầu tư hệ thống kho tàng, chế biến lúa gạo, có tài chính lành mạnh, bảo đảm dự trữ lưu thông theo quy định, không vi phạm nghiêm trọng quy chế điều phối và các nghị quyết điều hành của Hiệp hội Lương thực Việt Nam về đăng ký hợp đồng giao hàng, kiểm soát tránh gian lận giá xuất khẩu và thực hiện hợp đống tập trung...), chế tài xử phạt trong hoạt động kinh doanh lúa gạo...

+ Phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các Tổng công ty nhà nước theo hướng: các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân tỉnh chi đạo thực hiện các yêu cầu đối với sản xuất, quản lý, giám sát các điều kiện kinh doanh, các giải pháp can thiệp của nhà nước nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, bảo vệ lợi ích người trồng lúa; trên cơ sở chính sách, cơ chế của nhà nước, hướng dẫn của các Bộ, ngành, chế tài xử phạt và các Quy chế, nghị quyết của hiệp hội Lương thực Việt Nam, giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều phối cụ thể hoạt động xuất nhập khẩu lúa gạo, phân công tổ chức các công ty lương thực nhà nước thực hiện các biện pháp bình ổn giá và kiểm soát thị trường lúa gạo...

Hiệp hội Lương thực Việt Nam thực hiện việc điều phối hoạt động xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông qua các qui chế, Nghị quyết của hiệp hội, như Qui chế Tổ chức thực hiện hợp đồng tập trung và Qui chế đăng ký hợp đồng thương mại. Để đảm bảo thực hiện tốt vai trò này, các Qui chế, Nghị quyết của Hiệp hội Lương thực phải được xây dựng và ban hành phù hợp với các qui định của pháp luật hiện hành, các cam kết của Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế mà Việt Nam gia nhập, đảm bảo các mục tiêu vĩ mô đề ra đối với công tác xuất khẩu gạo được thực hiện thành công.

Hàng năm Thủ tướng chính phủ định hướng và điều chỉnh tổng hạn mức xuất khẩu cả năm và từng thời kỳ (thông thường là theo quí, và 6 tháng) dựa trên các dự báo khả thi về mùa vụ và diễn biến thị trường của Bộ Nông nghiệp vụ Phát triển nông thôn. Hiện tại, Chính phủ không quy định việc cấp hạn ngạch cho từng doanh nghiệp, địa phương mà Thủ tướng Chính phủ chỉ phân giao Hiệp hội Lương thực điều tiết tiến độ đăng ký hợp đồng và tiến độ xuất khẩu phù hợp với định hướng nguồn cung gạo hàng hóa. Các can thiệp chỉ được liên hành để đảm bảo cân đối cung cầu mùa vụ và trong trường hợp diễn biến thị trường có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh lương thực hoặc khi tổng hạn mức sắp hết mà nhu cầu xuất khẩu vẫn ở mức cao.

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính nhủ, với hiện trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo như hiện nay, để các mục tiêu của công tác điều hành được đảm bảo hài hòa, theo Bộ Công thương cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa các Bộ, ngành hữu quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động cụ thể của công tác điều hành xuất khẩu gạo.  Đồng thời Hiệp hội Lương thực Việt Nam là đơn vị được phân giao điều phối hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp cần hoàn thiện các qui chế, quy trình tác nghiệp đặc biệt là trong việc tổ chức đăng ký hợp đồng thương mại và hướng dẫn giá xuất khẩu, điều tiết, điều phối thực hiện hợp đồng tập trung theo hướng minh bạch, công khai; tăng cường tham vấn với các Bộ ngành hữu quan, các địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quá trình điều tiết, điều phối xuất khẩu gạo, đặc biệt trước khi ban hành các quyết định có thể tác động ảnh hưởng tới các nhóm lợi ích, dễ gây ý kiến trái chiều.

Về phần mình, Bộ Công thương đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành hữu quan triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp để trong thời gian tới nâng cao khả năng phối hợp và trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh ĐBSCL, Hiệp hội Lương thực đối với hiệu quả điều hành xuất khẩu gạo, nâng cao năng lực chủ động ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường. Bộ Công Thương sẽ sớm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ mở rộng thành phần Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo, có sự tham gia của Ủy ban nhân dân các tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn.

3. Một số vấn đề trong công tác quản lý thị trường những tháng đầu năm 2009

3.1. Quản lý việc niêm yết, thanh toán hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại tệ

Trên thị trường hiện nay, thực tế đang có hiện tượng niêm yết giá và thanh toán hàng hoá dịch vụ bằng ngoại tệ (đồng USD), nhưng hiện tượng này chủ yếu tập trung vào các loại hàng hoá có nguồn gốc nhập khẩu, giá trị lớn như ô tô, xe gắn máy, hàng điện tử. . . hoặc đối với các loại hàng hoá, dịch vụ mà đối tượng khách hàng là người nước ngoài. Nguyên nhân của tình trạng này là do:

- Sự hiểu biết pháp luật về lĩnh vực ngoại hối của thương nhân còn thấp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của các cơ quan chức năng quản lý hoạt động kinh doanh cũng chưa tốt.

- Tình trạng lạm phát cao của nền kinh tế dẫn đến sự mất giá của đồng tiền nội tệ. Để đảm bảo giá trị tài sản, người dân và doanh nghiệp có xu hướng tích trữ ngoại tệ, niêm yết, mua bán hàng hoá dịch vụ bằng đồng ngoại tệ (đồng USD).

- Hoạt động quản lý ngoại hối của các cơ quan chức năng còn bị buông lỏng, chưa thực sự có các biện pháp kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm minh đối với việc vi phạm quy định về sử dụng ngoại hối.

Tình trạng trên đã phần nào làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ trong nước, làm cho tỷ giá trên thị trường tự do không phản ánh đúng thực tế cán cân thương mại của nền kinh tế, gây khó khăn cho công tác điều hành tỷ giá của Nhà nước, đồng thời ảnh hưởng đến cân đối về cung cầu ngoại tệ trong nước, tạo nên nguy cơ đô la hoá nên kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. tại Công văn số 695/TTg-KTTH ngày 08 tháng 5 năm 2009 về việc chấn chỉnh hoạt động quản lý ngoại hối, Bộ Công Thương đã có công văn số 4387/BCT-XNK ngày 15 tháng 5 năm 2009 chi đạo các Vụ, Cục chức năng trong Bộ hướng dẫn đến các Sở Công Thương địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vì vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. theo đó, các Cục, Vụ đã có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các Sở Công thương gồm: Công văn số 314/QLTT-NV1 ngày 15 tháng 5 năm 2009 của Cục Quản lý thị trường về việc hướng dẫn các Chi cục quản lý thị trường trong công tác chấn chỉnh hoạt động quản lý ngoại hối; công văn số 4636/BCT-TTTN ngày 20 tháng 5 năm 2009 của Vụ Thị trường trong nước về việc hướng dẫn Sở Công Thương trong công tác chấn chỉnh các hoạt động niêm yết giá, mua bán hàng hoá dịch vụ bằng ngoại tệ; công văn số 466/XTTM-QLXTTM ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Cục Xúc tiến thương mại hướng dẫn các Sở Công Thương kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối trong các hoạt động xúc tiến thương mại. Thực hiện sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ, Sở Công Thương các địa phương đang mở những đợt cao điểm kiểm tra, rà soát việc mua bán ngoại tệ, niêm yết giá, mua bán hàng hoá dịch vụ, các hoạt động xúc tiến thương mại có sử dụng ngoại tệ và xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.

Trong tháng 5 năm 2009, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước đã ký một Thoả thuận phối hợp công tác giữa 2 bên, trong đó có nội dung phối hợp tăng cường quản lý hoạt động ngoại hối trên thị trường nội địa.

Cùng với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành chức năng, Bộ Công thương đã và đang tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động quản lý ngoại hối ở các địa phương. Hy vọng trong thời gian tới, tình trạng vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối sẽ dần được khắc phục.

3. 2. Về công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại

Trong những tháng đầu năm 2009, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai các công việc để chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại như sau:

- Tổ chức Hội nghị triển khai công tác Quản lý thị trường năm 2009 và Hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại cửa Ban Chỉ đạo 127-TW.

- Tăng cường công tác chống buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 127-TW kiểm tra tại 22 tỉnh, thành phố trên cả nước.

- Kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống các hành vi vi phạm về sản xuất, nhập lậu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các loại pháo trái phép, ký cam kết với từng hộ dân không sản xuất pháo, đặc biệt ở những làng nghề làm pháo truyền thống.

- Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc nhập lậu, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm và nguy cơ xâm nhập của dịch cúm A (H1N1).

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giết mổ, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nơi thường xảy ra vi phạm như chợ đầu mối, chợ cóc, chợ tạm, các cửa hàng ăn uống, các điểm giết mổ nhằm ngăn chặn dịch tiêu chảy cấp.

- Triển khai "Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2009" với chủ đề cộng đồng trách nhiệm để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng lực lượng Quản lý thị trường tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống như: nhóm thực phẩm nguy cơ cao, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, mặt hàng sữa các loại, rượu, bia, nước giải khát, nước tinh khiết đóng chai, bánh kẹo, phụ gia thực phẩm . . .

- Tiếp tục triển khai các Phương án kiểm tra kiểm soát của Ban Chi đạo 127-TW đối với các mặt hàng: xăng dầu, thuốc lá, sắt thép, gia súc gia cầm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm công nghiệp.

- Thực hiện Kế hoạch cao điểm tập trung kiểm tra, kiểm soát từ nay đến kết năm 2009 của Ban Chỉ đạo 127-TW, phục vụ có hiệu quả các giải pháp kích cầu của Chính phủ được nêu trong Nghị quyết 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

- Tăng cường công tác kiểm tra việc quảng cáo, niêm yết giá bằng USD tại các đại lý thu đổi tiền ngoại tệ, và tại các nơi được cấp phép.

Kết quả, trong 4 tháng đầu năm 2009, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 21.948 vụ vi phạm, trong đó: 4.844 vụ buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, 5.196 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, 10.908 vụ kinh doanh trái phép, 1000 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá với số thu 88,93 tỷ đồng (trong đó phạt vi phạm hành chính 42,11 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu 46,23 tỷ đồng và truy thu thuế 573,96 triệu đồng).

4. Về việc triển khai các Chương trình hỗ trợ cho gói kích cầu của Chính phủ

Theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; Quyết định số 12/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ dã chỉ đạo Bộ Công thương triển khai 02 Chương trình:

a) Chương trình cho nông dân và một số đối tượng khác vay ưu đãi để mua nhiều loại hàng hoá trong chương trình "Hỗ trợ mua sắm, kích cầu tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước nhằm mở rộng khả năng thanh toán, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ, góp phần thay trôi nhận thức và hành vi tiêu dùng đôi với hàng hóa sản xuất trong nước, giúp ngăn chặn suy giảm kinh tế là những mục tiêu xuyên suốt của chương trình này.

Theo đề xuất của Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Bộ cũng đã ban hành Danh mục chi tiết hàng hóa sản xuất trong nước được hưởng hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định này để người dân có cơ sở thực hiện (QĐ số 2095/QĐ-BCT ngày 29 tháng 4 năm 2009). Trong nửa đầu tháng 6/2009, Bộ sẽ tổ chức hướng dẫn cho các Sở Công thương trong cả nước triển khai thực hiện Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 2095 của Bộ.

b) Chương trình "Xúc tiến thị trường, thương mại nội địa năm 2009". Đây là một trong chuỗi các hoạt động nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về những giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Mục tiêu của Chương trình giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước nhận thức được vai trò quan trọng của thị trường trong nước, từ đó có chiến lược, giải pháp về chất lượng sản phẩm, về giá cả, về phát triển thị trường, kênh phân phối… nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mọi tầng lớp nhân dân, hướng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về phục vụ thị trường trong nước.

Bộ Công Thương đã xây dựng xong Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009 trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 529/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2009 về việc bố trí kinh phí thực hiện Chương trình. Hiện nay Bộ Công Thương đã dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình và đang gửi Bộ Tài chính góp ý kiến.

Như vậy, nhằm hỗ trợ đắc lực cho các giải pháp kích cầu của Chính phủ, chúng ta đang thực hiện song song cả hai giải pháp là vừa khuyến khích người “Việt Nam dùng hàng Việt Nam" và hướng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhận thức vai trò quan trọng của thi trường trọng nước để có những chiến lược, cơ chế, giải pháp về phát triển sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chương trình nêu trên, Bộ Công thương cho rằng cần tập trung vào các giải pháp cụ thể sau:

- Hỗ trợ nâng cao năng lực của cộng đồng doanh nghiệp, thông qua việc điều tra khảo sát thị trường đê cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin về người tiêu dùng, về thị phần của hàng Việt Nam, Về hiện trạng và năng lực của hệ thống phân phối... Từ đó giúp doanh nghiệp có chiến lược, giải pháp chiếm lĩnh thị trường nội địa, cũng như giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đào tạo nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp để tổ chức các khoá đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh cho doanh nghiệp;

- Các hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt Nam về bán ở địa bàn nông thôn, tổ chức các phiên bán hàng cho công nhân các khu công nghiệp, các phiên bán hàng vào cuối tuần tại các các khu đô thị lớn;

- Cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên truyền hình hướng dẫn người tiêu dùng, kinh nghiệm thành công, bài học thất bại của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam; kỹ năng kinh doanh. Hỗ trợ việc biên soạn phát hành ấn phẩm phổ biến các kết quả nghiên cứu thị trường, tổng kết bài học kinh nghiệm trên cả hai mặt thành công cũng như thất bại, giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam có danh tiếng, các nhà phân phối được người tiêu dùng tín nhiệm...

- Các doanh nghiệp tăng cường các khâu quản lý, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức tiêu thụ nhằm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa và tiện lợi hơn trong cung ứng cho người tiêu dùng. Bộ Công Thương hy vọng các Chương trình và giải pháp nêu trên sẽ góp phần từng bước thay đổi nhận thức và tập quán tiêu dùng của người dân, cũng .như của doanh nghiệp đối với việc sản xuất, sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ.

5. Tình hình thực hiệnn Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng

Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) chủ trì xây dựng. Qua một thời gian thực hiện, Quyết định 80 có nhiều điều bất cập, số liệu của Bộ NN và PTNT phản ánh cho thấy tỷ lệ thu mua nông sản thông qua ký kết hợp đồng đạt thấp như: thóc hàng hoá đạt 6-9% sản lượng, thuỷ sản dưới 10% sản lượng, cà phê 2-5% diện tích.... Do vậy, Bộ Công Thương trong Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020, đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tiêu thụ nông sản để thay thế Quyết định 80/2002/QĐ-TTg nêu trên.

Để triển khai tích cực hơn nữa Quyết định 80, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/2008/CT-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2008 về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, trong đó quy định vai trò của Bộ Công Thương như sau: "Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo hợp đồng và xây dựng chế tài xử lý vi phạm hợp đồng phù  hợp với quy định của Luật Thương mại; hướng dẫn các hoạt động hỗ trợ khác từ các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia,  chương trình khuyến công quốc gia và chương trình hội nhập kinh tế quốc tế. "

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Công thương đã chủ động, đề xuất, lồng ghép những giải pháp, cơ chế, biện pháp nhằm góp phần hỗ trợ tích cực vào việc tiêu thụ nông sản như sau :

a) Để nâng cao hiệu quả liên kết 4 nhà, trong Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020. (Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt) đã đề xuất một số giải pháp cụ thể về việc mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với nông dân thông qua các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và các phương thức phù hợp khác cụ thể là:

- Sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ vốn đầu Tư phát triển hạ tầng thương mại ở địa bàn nông thôn.

- Sửa đổi, bổ sung chính sách đối với thương nhân hoạt động ở địa bàn nông thôn.

- Sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển HTX theo hướng tập trung hỗ trợ các HTX tổ chức dịch vụ phục vụ xã viên.

- Sửa đổi, bổ sung chính sách đối với các hộ kinh doanh ở địa bàn nông thôn.

- Sửa đổi, bổ sung chính sách đặc thù đối với thương nhân kinh doanh ở địa bàn miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc ít người.

b) Thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Công thương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Trên cơ sở Quyêt định 497, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 2095/QĐ-BCT ngày 29 tháng 4 năm 2009 về việc ban hành Danh mục chi tiết hàng hóa sản xuất trong nước được hưởng hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định số 497/QĐ-TTG ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trong Quyết định 2095 này Bộ Công Thương đã lập Danh mục hàng hóa dược hưởng hỗ trợ lãi suất vốn vay bao gồm những sản phẩm mày móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp; những loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; những loại vật liệu xây dựng chủ yếu để làm nhà ở khu vực nông thôn.

Đồng thời, thực hiện Quyết định số 529/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về kinh phí thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009, Bộ Công Thương đang Dự thảo Chương trình xúc tiến thị trường thương mại nội địa năm 2009, trong đó có đề xuất các nội dung để tăng cường phát triển thương mại nông thôn như tổ chức Hội thảo các giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề tại thị trường nội địa; Tổ chức hội chợ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề cấp miền; tổ chức một số Chương trình đưa hàng về nông thôn.

c) Bộ Công thương đã trình thủ tướng Chính phú ban hành Quyết định 88/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một sô điều của Qui chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2006-2010 ban hành kèm theo Quyết định 279/2005/QD- TTG ngày 3 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số chính sách hỗ trợ, tạo diều kiện cho các tổ chức xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện cho doanh nghiệp địa phương tham gia vào hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia, nhằm tiêu thụ ngày càng nhiều các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh của các địa phương; đồng thời tạo cơ hội cho các địa phương, ngành hàng tập hợp doanh nghiệp, quảng bá cho sức mạnh chung của địa phương, ngành hàng tại hoạt động xúc tiến thương mại lớn mang tính liên ngành, liên địa phương.

d) Trong quá trình thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia, Bộ Công Thương luôn ưu tiên hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực ngành nghề chế biến nông, lâm, thuỷ sản; thủ công mỹ nghệ,.. các nhóm ngành nghề sử dụng chủ yếu nguyên liệu tại chỗ, nguyên liệu là sản phẩm nông, lâm, thuỷ hải sản của nông dân; ưu tiên các đề án gắn sản xuất CN-TTCN với vùng nguyên liệu; khuyến khích cơ sở sản xuất ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu của nông dân.

6. Các nội dung liên quan đến thực hiện Quy hoạch bô - xít

Về vấn đề này, thay mặt Chính phủ và được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22 tháng 5 năm 2009 Bộ Công Thương đã có báo cáo số 91/BC-CP gửi Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Trên đây là báo cáo của Bộ Công Thương về những vấn đề được các vị Đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Xin chân thành cám ơn sự chú ý của các vị Đại biểu Quốc hội./.

 

Nơi nhận

- Như trên;

- Đoàn Thư ký kỳ họp;

- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ;

- Lãnh đạo Bộ;

- Lưu VP, Vụ KH.

BỘ TRƯỞNG

(đã ký)

 

 

 

 

 

 

Vũ Huy Hoàng

Báo cáo 45/BC-BCT của Bộ Công Thương về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội khoá XII, kỳ 5

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

STTTiêu đề văn bảnNgày thángNơi ban hành
1

Công văn 3091/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về việc điều chuyển nguồn vốn đảm bảo an toàn hồ chứa nước năm 2013 của tỉnh Bắc Kạn

20/06/2014VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
2

Thông tư 56/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá

20/06/2014BỘ TÀI CHÍNH
3

Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/

20/06/2014NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM - BỘ XÂY DỰNG - BỘ TƯ PHÁP - BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
4

Thông tư liên tịch 55/2014/TTLT-BTC-BGTVT của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải về việc hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam

20/06/2014BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
5

Thông tư 54/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Nghị định 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ

20/06/2014BỘ TÀI CHÍNH
6

Công văn 2823/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về việc gia hạn thanh toán vốn trái phiếu Chính phủ ứng trước kế hoạch 2014 - 2015 của Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La

20/06/2014VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
7

Thông tư 47/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quyết định 03/2011/QĐ-TTg ngày 10/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn ngân hàng thương mại

05/05/2014BỘ TÀI CHÍNH
8

Công văn 2823/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về việc gia hạn thanh toán vốn trái phiếu Chính phủ ứng trước kế hoạch 2014 - 2015 của Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La

05/05/2014VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
9

Thông tư 13/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn việc cho vay theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp

24/04/2014NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
10

Quyết định 544/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chỉnh sửa, bổ sung danh mục Dự án "Phát triển lưới điện Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)"

24/04/2014THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
11

Quyết định 739/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số đề án và cơ chế chính sách thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định 937/QĐ-BTC ngày 25/04/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính

24/04/2014BỘ TÀI CHÍNH
12

Nghị định 26/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng

24/04/2014CHÍNH PHỦ
13

Nghị định 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản

19/03/2014CHÍNH PHỦ
14

Công văn 1114/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ về việc gia hạn Hiệp định viện trợ không hoàn lại hợp phần tài chính carbon Dự án phát triển năng lương tái tạo (REDP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ

27/02/2014VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
15

Thông tư 24/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam

05/12/2013NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
16

Thông tư 25/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông

05/12/2013NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
17

96/2013/NĐ-CP - Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

09/09/2013BỘ TÀI CHÍNH
18

Công văn 395/GSQL-TH của Cục Giám sát quản lý về Hải quan về việc kinh doanh hàng hóa gửi kho ngoại quan của văn phòng đại diện Công ty nước ngoài

28/06/2013Tổng cục Hải quan
19

Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử

28/06/2013NĐ Chính phủ
20

Công văn 3167/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc xử lý vướng mắc lô hàng quá cảnh

28/06/2013Bộ Tài chính