Nghị định 16/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
CHÍNH PHỦ Số: 16/2010/NĐ-CP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2010 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA
LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC
-----------------------------
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án.
Điều 2. Xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
1. Nhà nước chỉ bồi thường đối với các trường hợp thiệt hại được quy định trong phạm vi của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi có đủ các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
2. Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết trong các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép;
b) Thiệt hại xảy ra trong điều kiện vì người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn;
c) Thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết khác theo quy định của pháp luật.
Chương 2.
GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG TẠI CƠ QUAN CÓ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG
Điều 3. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính
Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được xác định như sau:
1. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là cán bộ, công chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Tổng cục, Cục, các đơn vị khác có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì các cơ quan này có trách nhiệm bồi thường.
3. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là thành viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại do các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan khác trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp quản lý thì các cơ quan này có trách nhiệm bồi thường.
5. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là thành viên Ủy ban nhân dân cấp huyện và người thi hành công vụ do các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Ủy ban nhân dân cấp huyện.
6. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là thành viên Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc là cán bộ, công chức cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
7. Cơ quan nhà nước khác theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này.
Điều 4. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự
Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được xác định như sau:
1. Trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Tổng cục Thi hành án dân sự thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Tổng cục Thi hành án dân sự.
2. Trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.
3. Trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, Phòng Thi hành án cấp quân khu thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, Phòng Thi hành án cấp quân khu.
Điều 5. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường
1. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án.
Việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 14 và Điều 40 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Điều 3, Điều 4 của Nghị định này.
Trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường có thẩm quyền theo quy định tại Chương IV của Nghị định này xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo thủ tục sau đây:
a) Trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại, cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường phải có văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
b) Trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì thời hạn ban hành văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại. Việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường được tiến hành như sau:
- Theo yêu cầu của người bị thiệt hại, cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc gây ra thiệt hại để xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
- Trong trường hợp không có sự thống nhất về việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường quyết định một cơ quan trong số các cơ quan có liên quan là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
c) Văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải được gửi ngay cho người bị thiệt hại và cơ quan có trách nhiệm bồi thường để thực hiện.
2. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng
a) Việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại các Điều 29, 30, 31, 32 và 33 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
b) Trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong quá trình giải quyết bồi thường
Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết bồi thường và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Tổ chức việc giải quyết bồi thường theo thủ tục quy định tại Điều 9 của Nghị định này;
2. Cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường;
3. Hướng dẫn, chỉ đạo người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường theo đúng các quy định của pháp luật;
4. Báo cáo về việc giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này;
5. Cung cấp các quyết định liên quan đến việc giải quyết bồi thường cho người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại;
6. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường
1. Ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường (sau đây gọi chung là người đại diện).
Trường hợp thủ trưởng cơ quan là người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc là vợ (hoặc chồng), ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi (bên vợ hoặc bên chồng), con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột (bên vợ hoặc bên chồng), cháu nội, cháu ngoại của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại (sau đây gọi chung là người liên quan) thì tập thể lãnh đạo cơ quan cùng thảo luận, thống nhất cử một đại diện lãnh đạo cơ quan chịu trách nhiệm về việc giải quyết bồi thường.
Trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoạt động theo chế độ tập thể thì tập thể cơ quan quyết định cử người đại diện.
2. Người đại diện phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là cán bộ lãnh đạo cấp phòng trở lên hoặc tương đương;
b) Có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực phát sinh trách nhiệm bồi thường;
c) Không phải là người liên quan của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại.
Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện
Người đại diện chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường về việc giải quyết bồi thường và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Tổ chức việc xác minh thiệt hại theo quy định tại Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
2. Thực hiện việc thương lượng với người bị thiệt hại về việc giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 19 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
3. Báo cáo thủ trưởng cơ quan về kết quả xác minh thiệt hại và kết quả thương lượng;
4. Chuẩn bị dự thảo quyết định giải quyết bồi thường;
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến việc giải quyết bồi thường theo sự phân công của thủ trưởng cơ quan.
Điều 9. Thủ tục giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiến hành việc xác minh thiệt hại để làm căn cứ xác định mức bồi thường theo quy định tại Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 19 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể gửi dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan.
4. Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), cơ quan có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 20 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
5. Khi quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường theo quy định tại Điều 54 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Điều 10. Thực hiện việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại
1. Việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại do một trong những người sau đây thực hiện:
a) Đại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
b) Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở, trong trường hợp chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường thông qua Ủy ban nhân dân cấp xã;
c) Những người khác do pháp luật quy định.
2. Thủ tục chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường
a) Người thực hiện việc chuyển giao phải trực tiếp chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại. Người bị thiệt hại phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận quyết định giải quyết bồi thường. Ngày ký nhận của người bị thiệt hại được tính là ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường.
b) Trong trường hợp người bị thiệt hại vắng mặt thì quyết định giải quyết bồi thường có thể được giao cho người thân có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với họ. Người thân của người bị thiệt hại phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận quyết định giải quyết bồi thường. Ngày ký nhận của người thân cùng cư trú được tính là ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định giải quyết bồi thường.
Trong trường hợp người bị thiệt hại không có người thân có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng họ từ chối nhận hộ quyết định giải quyết bồi thường thì có thể chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường thông qua Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú.
Trong trường hợp việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường qua người khác thì người thực hiện việc chuyển giao phải lập biên bản ghi rõ việc người bị thiệt hại vắng mặt, quyết định giải quyết bồi thường đã được giao cho ai; lý do; ngày, giờ giao; quan hệ giữa người nhận hộ với người bị thiệt hại; cam kết giao ngay tận tay quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại. Biên bản có chữ ký của người nhận chuyển quyết định giải quyết bồi thường và người thực hiện việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường, người chứng kiến.
3. Trong trường hợp người bị thiệt hại vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc chuyển giao. Biên bản phải có chữ ký của người cung cấp thông tin về người bị thiệt hại.
4. Trong trường hợp người bị thiệt hại từ chối nhận quyết định giải quyết bồi thường thì người thực hiện việc chuyển giao phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc Ủy ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận quyết định giải quyết bồi thường.
Điều 11. Thủ tục trả lại tài sản
Trong quá trình giải quyết bồi thường, nếu có căn cứ trả lại tài sản theo quy định tại Điều 50 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường tổ chức việc trả lại tài sản theo thủ tục sau đây:
1. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ, cơ quan đã ra các quyết định đó có trách nhiệm thông báo cho người bị thiệt hại về việc trả lại tài sản. Trong nội dung thông báo phải ghi rõ về địa điểm, thời gian trả lại tài sản.
2. Việc trả lại tài sản được tiến hành tại trụ sở cơ quan đã ra quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu tài sản hoặc nơi đang bảo quản tài sản.
Mọi chi phí cho việc vận chuyển, lắp ráp, khôi phục hiện trạng ban đầu của tài sản do cơ quan đã ra quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu chi trả.
3. Khi tiến hành trả lại tài sản, công chức được giao thực hiện việc trả lại tài sản có trách nhiệm yêu cầu người bị thiệt hại hoặc người được người bị thiệt hại ủy quyền đến nhận lại tài sản xuất trình các giấy tờ chứng minh là người có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu hoặc là người được người đó ủy quyền.
4. Công chức được giao thực hiện việc trả lại tài sản yêu cầu người nhận kiểm tra về số lượng, khối lượng và các đặc điểm khác của tài sản dưới sự chứng kiến của thủ kho nơi bảo quản tài sản.
5. Việc trả lại tài sản phải được lập thành biên bản có chữ ký của người nhận lại tài sản, đại diện cơ quan đã ra quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu tài sản, công chức được giao thực hiện việc trả lại tài sản và thủ kho nơi bảo quản tài sản.
Điều 12. Trách nhiệm báo cáo về việc giải quyết bồi thường
1. Trong quá trình thực hiện việc giải quyết bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án phải báo cáo cho cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp về các nội dung sau đây:
a) Thụ lý đơn yêu cầu bồi thường;
b) Ban hành quyết định giải quyết bồi thường;
c) Người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường;
d) Thực hiện thủ tục chi trả tiền bồi thường.
Kèm theo báo cáo phải có bản sao các tài liệu có liên quan đến việc giải quyết bồi thường.
2. Trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì báo cáo về việc giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 1 của Điều này được gửi cho Bộ Tư pháp.
3. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giải quyết bồi thường theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.
4. Ngoài các nhiệm vụ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 của Điều này, theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường có thẩm quyền, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kịp thời báo cáo về việc giải quyết bồi thường để phục vụ công tác quản lý nhà nước về bồi thường.
Chương 3.
TRÁCH NHIỆM HOÀN TRẢ CỦA NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ
Điều 13. Thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả
1. Ngay sau khi thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả (sau đây gọi chung là Hội đồng) theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
2. Thành phần Hội đồng bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
b) Đại diện tổ chức công đoàn cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
c) Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại;
d) Người phụ trách công tác tài chính - kế toán của cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
đ) Một số chuyên gia về ngành kinh tế, kỹ thuật và pháp lý có liên quan.
Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc các cơ quan khác nhau cùng gây ra thiệt hại thì đại diện lãnh đạo của các cơ quan này phải tham gia Hội đồng.
Người tham gia Hội đồng không được là người liên quan của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này.
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng
Hội đồng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại; mức độ lỗi của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại;
2. Xác định điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại;
3. Kiến nghị với thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả;
4. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 15. Phương thức làm việc của Hội đồng
1. Hội đồng chỉ họp khi có từ 2/3 tổng số thành viên Hội đồng có mặt.
2. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Trong quá trình thảo luận và quyết định, các thành viên Hội đồng phải khách quan, dân chủ và tuân theo các quy định của pháp luật.
3. Việc kiến nghị về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín và theo nguyên tắc đa số trên tổng số thành viên Hội đồng có mặt.
Trường hợp số phiếu biểu quyết là ngang nhau thì mức hoàn trả và phương thức hoàn trả sẽ do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
4. Biên bản về cuộc họp của Hội đồng phải được Hội đồng xem xét, thông qua và Chủ tịch Hội đồng ký.
5. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng có thể mời người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại tham dự cuộc họp của Hội đồng.
Điều 16. Xác định mức hoàn trả
Việc xác định mức hoàn trả được thực hiện theo các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và theo nguyên tắc sau đây:
1. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả theo quy định tại Điều 18 của Nghị định này.
2. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 03 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Điều 17. Ban hành quyết định hoàn trả
1. Căn cứ vào kiến nghị của Hội đồng, người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 59 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ban hành quyết định hoàn trả.
2. Trong trường hợp người có thẩm quyền ban hành quyết định hoàn trả có ý kiến khác với kiến nghị của Hội đồng thì có quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó.
Điều 18. Xác định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự.
2. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải yêu cầu Tòa án xác định trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn của bị cáo là người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng hình sự để hoàn trả số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
Điều 19. Thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền hoàn trả
1. Người có nghĩa vụ hoàn trả phải thực hiện đúng thời hạn, mức và phương thức hoàn trả ghi trong quyết định hoàn trả.
2. Trường hợp trách nhiệm hoàn trả được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Nghị định này thì áp dụng thủ tục thi hành án dân sự để thu tiền hoàn trả.
3. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thu và nộp đầy đủ, kịp thời toàn bộ khoản tiền hoàn trả vào ngân sách nhà nước.
Điều 20. Xử lý người thi hành công vụ cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả
1. Người có nghĩa vụ hoàn trả đã được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thông báo đến lần thứ ba về việc hoàn trả mà cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì bị kỷ luật theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả đã chuyển công tác đến cơ quan khác trong bộ máy nhà nước thì cơ quan nhà nước đó có trách nhiệm đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả và quyết định biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện các biện pháp thu hồi khoản tiền hoàn trả theo quy định của pháp luật.
Chương 4.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG
Điều 21. Nội dung quản lý nhà nước về công tác bồi thường
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
2. Phổ biến, tuyên truyền Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
3. Hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường.
4. Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho các cán bộ thực hiện công tác giải quyết bồi thường.
5. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
6. Theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết bồi thường.
7. Theo dõi, đôn đốc việc chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả.
8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
9. Thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp
1. Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
b) Hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường;
c) Giải đáp vướng mắc về việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
d) Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định này;
đ) Theo dõi, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong phạm vi cả nước;
e) Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường, kịp thời phát hiện những yếu kém, hạn chế về lề lối làm việc, trình độ, kinh nghiệm của cán bộ, công chức để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục;
g) Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc giải quyết bồi thường trong phạm vi cả nước, báo cáo Chính phủ.
2. Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan hướng dẫn việc giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng và quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng;
b) Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật;
c) Hàng năm tổng hợp về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng, báo cáo Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 21 và điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị định này;
Điều 23. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 21 của Nghị định này và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan trong phạm vi do mình quản lý theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định này;
b) Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường;
c) Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
2. Tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại Điều này.
Điều 24. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 21 của Nghị định này;
b) Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc địa phương do mình quản lý theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định này;
c) Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường;
d) Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
2. Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi địa phương theo quy định tại Điều này.
Điều 25. Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của mình.
2. Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương.
3. Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 26. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại các khoản 2, 3, 6, 7 và 8 Điều 21 của Nghị định này và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các đơn vị do Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý và Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc địa phương do mình quản lý theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định này;
2. Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương;
3. Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 27. Bảo đảm tài chính cho công tác quản lý nhà nước về bồi thường và công tác giải quyết bồi thường
1. Kinh phí bồi thường thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được bảo đảm từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định tại Chương VI Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
2. Kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước và việc giải quyết bồi thường do ngân sách nhà nước bảo đảm trong dự toán kinh phí chi hoạt động của các cơ quan, tổ chức thực hiện việc quản lý hoặc giải quyết bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về bồi thường và công tác giải quyết bồi thường.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 28. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2010.
2. Không áp dụng quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ tại Chương III của Nghị định này để giải quyết việc hoàn trả đối với các trường hợp áp dụng thủ tục giải quyết bồi thường theo quy định tại Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
Điều 29. Trách nhiệm thi hành
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Nghị định này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác bồi thường./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
Nghị định 16/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
STT | Tiêu đề văn bản | Ngày tháng | Nơi ban hành |
---|---|---|---|
3 | Quyết định 520/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội | 20/06/2014 | BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
4 | Quyết định 521/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội | 20/06/2014 | BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |