Chào mừng Quý Khách đến với Công ty luật Hoàng Minh

Thông tư 07/2009/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ

Nội dung

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 07/2009/TT-NHNN

NGÀY 17 THÁNG 04 NĂM 2009

QUY ĐỊNH VỀ CÁC TỶ LỆ BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG

CỦA TỔ CHỨC TÀI CHÍNH QUY MÔ NHỎ

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 năm 2003;

Căn cứ Luật các Tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09/3/2005 về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam và Nghị định số 165/2007/NĐ-CP ngày 15/11/2007 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 28/2005/NĐ-CP;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ như sau:

Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ hoạt động tại Việt Nam phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định tại Thông tư này, bao gồm:

a) Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.

b) Giới hạn cho vay đối với khách hàng.

c) Tỷ lệ về khả năng chi trả.

2. Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng về tình hình hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ, Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu tổ chức tài chính quy mô nhỏ duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn cao hơn các mức quy định tại Điều 4 và Điều 7 Thông tư này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổng tài sản “Có” rủi ro là tổng giá trị tài sản “Có” của tổ chức tài chính quy mô nhỏ được tính theo mức độ rủi ro quy định tại Điều 5 Thông tư này.

2. Khoản phải đòi là các tài sản “Có” nội bảng hình thành từ các khoản tiền gửi, cho vay và từ việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ khác theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

3. Bất động sản của bên vay là đất đai mà bên vay có quyền sử dụng hợp pháp; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai và các tài sản là bất động sản khác theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu của bên vay. Trường hợp bất động sản đã được bên vay cho thuê thì phải được bên thuê đồng ý cho dùng làm tài sản thế chấp trong thời gian thuê.

4. Một khách hàng là một pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, tổ chức khác có quan hệ tín dụng với tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

5. Nhóm khách hàng liên quan bao gồm hai hoặc nhiều khách hàng có quan hệ tín dụng với tổ chức tài chính quy mô nhỏ và có quan hệ liên quan với nhau, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

5.1. Một khách hàng cá nhân sở hữu tối thiểu 25% vốn điều lệ của một pháp nhân mà pháp nhân đó đang là khách hàng của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

5.2. Một khách hàng cá nhân là thành viên của hộ gia đình theo quy định tại Bộ Luật dân sự mà hộ gia đình đó đang là khách hàng của tổ chức tài chính quy mô nhỏ hoặc trong hộ gia đình đó có các cá nhân khác (bao gồm cả các cá nhân là chủ thể độc lập, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng) cũng đang là khách hàng của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

5.3. Một khách hàng cá nhân là tổ viên tổ hợp tác theo quy định tại Bộ Luật dân sự mà tổ hợp tác đó đang là khách hàng của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

5.4. Một khách hàng cá nhân là thành viên hợp danh của công ty hợp danh mà công ty hợp danh đó đang là khách hàng của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

5.5. Một khách hàng cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân mà doanh nghiệp tư nhân đó đang là khách hàng của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

5.6. Một khách hàng cá nhân đang nắm giữ chức danh thành viên trong bộ máy quản trị, điều hành và kiểm soát của một pháp nhân mà pháp nhân đó đang là khách hàng của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

5.7. Một khách hàng pháp nhân sở hữu tối thiểu 50% vốn điều lệ của một pháp nhân khác mà pháp nhân đó đang là khách hàng của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

5.8. Một khách hàng pháp nhân đang là khách hàng của tổ chức tài chính quy mô nhỏ có đại diện của mình đang giữ vị trí thành viên trong bộ máy quản trị, điều hành và kiểm soát của một pháp nhân khác mà pháp nhân đó cũng đang là khách hàng của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

6. Tổng dư nợ cho vay bao gồm toàn bộ dư nợ cho vay trong hạn và quá hạn của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

7. Lợi nhuận không chia là phần lợi nhuận được xác định qua kiểm toán của tổ chức kiểm toán độc lập sau khi đã nộp thuế và trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật, được giữ lại để bổ sung vốn cho tổ chức tài chính quy mô nhỏ theo quy định của pháp luật.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

Điều 3. Vốn tự có

1. Vốn tự có của tổ chức tài chính quy mô nhỏ bao gồm:

1.1. Vốn cấp 1:

a) Vốn điều lệ;

b) Vốn của các tổ chức, cá nhân tài trợ không hoàn lại cho tổ chức tài chính quy mô nhỏ;

c) Các quỹ theo quy định của Bộ Tài chính (Bao gồm: Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; Quỹ dự phòng tài chính; Quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ);

d) Lợi nhuận không chia.

Vốn cấp 1 được dùng làm căn cứ để xác định giới hạn mua, đầu tư vào tài sản cố định của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

1.2. Vốn cấp 2:

a) 50% phần giá trị tăng thêm của tài sản cố định được định giá lại theo quy định của pháp luật;

b) Các khoản nợ của tổ chức tài chính quy mô nhỏ thỏa mãn những điều kiện sau:

- Là khoản nợ mà chủ nợ là thứ cấp so với các chủ nợ khác, cụ thể: trong mọi trường hợp, chủ nợ chỉ được thanh toán sau khi tổ chức tài chính quy mô nhỏ đã thanh toán cho tất cả các chủ nợ có bảo đảm và không có bảo đảm khác;

- Có kỳ hạn ban đầu tối thiểu trên 10 năm;

- Không được bảo đảm bằng tài sản của chính tổ chức tài chính quy mô nhỏ;

- Tổ chức tài chính quy mô nhỏ được ngừng trả lãi và chuyển lãi lũy kế sang năm tiếp theo nếu việc trả lãi dẫn đến kết quả kinh doanh trong năm bị lỗ;

- Chủ nợ chỉ được tổ chức tài chính quy mô nhỏ trả nợ trước hạn sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản;

- Việc điều chỉnh tăng lãi suất chỉ được thực hiện sau 5 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng và được điều chỉnh một lần trong suốt thời hạn của khoản vay.

c) Dự phòng chung, tối đa bằng 1,25% tổng tài sản “Có” rủi ro.

2. Giới hạn khi xác định vốn cấp 2:

2.1. Tổng giá trị vốn cấp 2 tối đa bằng 100% giá trị vốn cấp 1.

2.2. Tổng giá trị các khoản nợ quy định tại điểm 1.2.b Khoản 1 Điều này tối đa bằng 50% giá trị vốn cấp 1.

2.3. Trong thời gian 5 năm cuối cùng trước khi đến hạn thanh toán, các khoản nợ được tính vào vốn cấp 2 sẽ phải khấu trừ mỗi năm 20% giá trị ban đầu.

3. Các khoản phải trừ khỏi vốn tự có:

3.1. Toàn bộ phần giá trị giảm đi của tài sản cố định do định giá lại theo quy định của pháp luật.

3.2. Khoản lỗ kinh doanh, bao gồm cả các khoản lỗ lũy kế.

Điều 4. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu

1. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải duy trì tỷ lệ tối thiểu 10% giữa vốn tự có so với tổng tài sản “Có” rủi ro.

2. Cách xác định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo hướng dẫn tại Phụ lục A kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Phân loại tài sản “Có”

Tài sản “Có” được phân nhóm theo các mức độ rủi ro như sau:

1. Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 0% gồm:

1.1. Tiền mặt;

1.2. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước;

1.3. Các khoản cho vay bằng vốn tài trợ, ủy thác cho vay theo các hợp đồng ủy thác, trong đó tổ chức tài chính quy mô nhỏ chỉ hưởng phí ủy thác và không chịu rủi ro;

1.4. Các khoản cho vay được bảo đảm 100% bằng tiền gửi (tiết kiệm tự nguyện và/hoặc tiết kiệm bắt buộc) tại chính tổ chức tài chính quy mô nhỏ;

1.5. Phần dư nợ gốc, lãi cho vay được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc tại chính tổ chức tài chính quy mô nhỏ;

1.6. Các khoản phải đòi đối với Chính phủ Việt Nam bao gồm: trái phiếu Chính phủ (tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình Trung ương, trái phiếu đầu tư, công trái xây dựng Tổ quốc), trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

1.7. Các khoản cho vay được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phát hành.

2. Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 20% gồm:

2.1. Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trong nước;

2.2. Dư nợ cho vay (gốc, lãi) đối với các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính quy mô nhỏ khác (nếu có);

2.3. Dư nợ cho vay (gốc, lãi) được bảo đảm bằng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng ở Việt Nam;

2.4. Dư nợ cho vay (gốc, lãi) được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng tại Việt Nam, tổ chức tài chính nhà nước phát hành.

2.5. Tiền mặt đang trong quá trình thu.

3. Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 50% gồm:

3.1. Dư nợ cho vay (gốc, lãi) có bảo đảm bằng bất động sản của bên vay;

3.2. Dư nợ tín dụng quy mô nhỏ (gốc, lãi) đối với khách hàng tài chính quy mô nhỏ có thời hạn cho vay dưới 1 năm.

4. Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 100% gồm”

4.1. Bất động sản và các tài sản cố định khác;

4.2. Các khoản phải đòi khác ngoài các khoản quy định tại Khoản 1, 2 và 3 của Điều này.

Điều 6. Quy định nội bộ

1. Căn cứ quy định tại Thông tư này, các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và thực tế hoạt động, tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải xây dựng và ban hành quy định nội bộ về:

1.1. Xác định và phân loại một khách hàng, một nhóm khách hàng liên quan, các giới hạn cho vay áp dụng đối với một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan, bao gồm các nội dung sau:

a) Tiêu chí xác định, phân loại một khách hàng và một nhóm khách hàng liên quan theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 2 Thông tư này.

b) Xác định các giới hạn cho vay áp dụng đối với một khách hàng và một nhóm khách hàng liên quan; thẩm quyền quyết định cho vay đối với một khách hàng và một nhóm khách hàng liên quan.

c) Xác định cách thức theo dõi đối với các khoản vay vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

d) Hạn mức, tỷ lệ cho vay tối đa trong tổng dư nợ cho vay đối với khách hàng tài chính quy mô nhỏ và khách hàng không phải là khách hàng tài chính quy mô nhỏ.

1.2. Quản lý khả năng chi trả với những nội dung chủ yếu như sau:

a) Phân công cán bộ theo dõi việc bảo đảm khả năng chi trả của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

b) Các phương án thực hiện bảo đảm khả năng chi trả trong trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời khả năng chi trả, cũng như trong trường hợp có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

c) Các quy định về quản lý ngân quỹ, thu, chi, nguồn vốn hàng ngày và các quy định về việc nắm giữ các giấy tờ có giá dễ chuyển đổi thành tiền.

2. Hội đồng quản trị tổ chức tài chính quy mô nhỏ có trách nhiệm xem xét đánh giá các quy định nội bộ nêu tại Khoản 1 của Điều này để kịp thời điều chỉnh khi cần thiết nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Điều 7. Giới hạn cho vay đối với khách hàng

1. Giới hạn cho vay của tổ chức tài chính quy mô nhỏ đối với khách hàng như sau:

1.1. Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính quy mô nhỏ đối với một khách hàng không phải khách hàng tài chính quy mô nhỏ không được vượt quá 10% vốn tự có của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

1.2. Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính quy mô nhỏ đối với một khách hàng tài chính quy mô nhỏ không được vượt quá 30 triệu đồng. Mức cho vay này có thể được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo từng thời kỳ.

1.3. Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính quy mô nhỏ đối với một nhóm khách hàng liên quan quy định tại Khoản 5 Điều 2 Thông tư này không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tài chính quy mô nhỏ, trong đó mức cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá tỷ lệ quy định tại điểm 1.1 và 1.2 Khoản 1 Điều này.

2. Các giới hạn quy định tại Khoản 1 của Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

2.1. Các khoản cho vay từ các nguồn vốn ủy thác của Chính phủ Việt Nam, của các tổ chức, cá nhân mà tổ chức tài chính quy mô nhỏ không phải trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay.

2.2. Các khoản cho vay có bảo đảm toàn bộ bằng tiền gửi của khách hàng tại chính tổ chức tài chính quy mô nhỏ đó.

2.3. Các khoản cho vay các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ khác có thời hạn dưới 1 năm (nếu có).

2.4. Các khoản cho vay có bảo đảm bằng trái phiếu Chính phủ Việt Nam, trái phiếu được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh.

Điều 8. Tỷ lệ về khả năng chi trả

1. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải duy trì thường xuyên tỷ lệ về khả năng chi trả tối thiểu bằng 20%.

2. Tỷ lệ này được tính như sau:

2.1. Tử số: gồm các tài sản là tiền mặt và các tài sản dễ chuyển đổi thành tiền, cụ thể gồm:

a) Tiền mặt;

b) Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (trừ tiền gửi dự trữ bắt buộc);

c) Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng;

d) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

2.2. Mẫu số: Tổng tiền gửi bao gồm tiết kiệm bắt buộc và tiền gửi tự nguyện.

3. Cách xác định tỷ lệ về khả năng chi trả theo hướng dẫn tại Phụ lục B kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Báo cáo, xử lý vi phạm

1. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ báo cáo việc thực hiện các quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

2. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ vi phạm những quy định tại Thông tư này, tùy theo mức độ vi phạm, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tài chính quy mô nhỏ chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước để được hướng dẫn, giải quyết.

 

THỐNG ĐỐC

Nguyễn Văn Giàu

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục A

CÁCH XÁC ĐỊNH TỶ LỆ AN TOÀN VỐN TỐI THIỂU

A. Vốn tự có để tính các tỷ lệ bảo đảm an toàn của Tổ chức tài chính quy mô nhỏ (TCTCQMN) A tại thời điểm 31/3/2008:

Tại thời điểm 31/3/2008, tình hình vốn và tài sản của TCTCQMN A như sau:

1. Vốn cấp I:

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Khoản mục

Số tiền

a- Vốn điều lệ (vốn đã được cấp, vốn đã góp)

30

b- Vốn của các tổ chức, cá nhân tài trợ không hoàn lại

10

c- Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ

2

d- Quỹ dự phòng tài chính

2

đ- Quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ

1

e- Lợi nhuận không chia

2

Tổng cộng

47

2. Vốn cấp 2:

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Khoản mục

Số tiền tăng thêm

Tỷ lệ tính

Số tiền được tính vào vốn cấp 2

a- Giá trị tăng thêm của TSCĐ được định giá lại theo quy định của pháp luật

0,2

50%

0,1

b- Các khoản nợ có thời hạn còn lại trên 5 năm

 

100%

3

c- Dự phòng chung

 

100%

1

Tổng cộng

 

 

4,1

Ghi chú:

- Tổng các khoản nợ là 3 tỷ đồng, bằng 6,4% vốn cấp 1 (nhỏ hơn 50% vốn cấp 1) đáp ứng quy định tại tiết b điểm 1.2 Điều 3 Thông tư này.

Vốn tự có (A) của TCTCQMN tại thời điểm 31/3/2008 = Vốn cấp 1 + Vốn cấp 2

= 47 tỷ đồng + 4,1 tỷ đồng = 51,1 tỷ đồng

3. Các khoản phải trừ khỏi vốn tự có:

- Phần giá trị giảm đi của TSCĐ do định giá lại theo quy định của pháp luật: 0

- Khoản lỗ kinh doanh, bao gồm cả các khoản lỗ lũy kế: 0 tỷ đồng

Vốn tự có (A) để tính các tỷ lệ bảo đảm an toàn của TCTCQMN A = Vốn tự có – các khoản phải trừ

A = 51,1 tỷ đồng – 0 tỷ đồng = 51,1 tỷ đồng

B. Giá trị tài sản “Có” rủi ro nội bảng (B)

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Khoản mục

Giá trị sổ sách

Hệ số rủi ro

Giá trị TSC rủi ro

1- Nhóm TSC có hệ số rủi ro 0%

 

 

 

a- Tiền mặt

20

0%

0

b- Tiền gửi tại NHNN Việt Nam

5

0%

0

c- Các khoản cho vay bằng vốn tài trợ, ủy thác cho vay theo các hợp đồng ủy thác, trong đó tổ chức tài chính quy mô nhỏ chỉ hưởng phí ủy thác và không chịu rủi ro

30

0%

0

d- Các khoản cho vay được bảo đảm 100% bằng tiền gửi (tiết kiệm tự nguyện và/hoặc tiết kiệm bắt buộc) tại chính tổ chức tài chính quy mô nhỏ

3

0%

0

đ- Phần dư nợ gốc, lãi cho vay được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc tại chính tổ chức tài chính quy mô nhỏ

5

0%

0

e- Các khoản phải đòi đối với Chính phủ Việt Nam bao gồm: trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh

5

0%

0

g- Các khoản cho vay được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.

5

0%

0

2- Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 20%

 

 

 

a- Tiền gửi tại các Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác trong nước

20

20%

4

b- Dư nợ cho vay (gốc, lãi) đối với các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính quy mô nhỏ khác (nếu có)

0

20%

0

c- Dư nợ cho vay (gốc, lãi) được bảo đảm bằng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng ở Việt Nam

5

20%

1

d- Dư nợ cho vay (gốc, lãi) được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng tại Việt Nam, tổ chức tài chính nhà nước phát hành

3

20%

0,6

đ- Tiền mặt đang trong quá trình thu

2

20%

0,4

3- Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 50%

 

 

 

a- Dư nợ cho vay (gốc, lãi) có bảo đảm bằng bất động sản của bên vay

50

50%

25

b- Dư nợ tín dụng quy mô nhỏ (gốc, lãi) đối với khách hàng tài chính quy mô nhỏ cả thời hạn cho vay dưới 1 năm

330

50%

165

4- Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 100%

 

 

 

a- Bất động sản và các tài sản cố định khác

8

100%

8

b- Các khoản phải đòi khác

50

100%

50

Tổng cộng (B)

 

 

254

C. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu

C = (A/B) * 100%

= (51,1/254) * 100% = 20,118%

Phụ lục B

CÁCH XÁC ĐỊNH TỶ LỆ VỀ KHẢ NĂNG CHI TRẢ

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Khoản mục

Giá trị sổ sách

I. Tử số

A

1. Tiền mặt

 

2. Tiền gửi tại NHNN

 

3. Tiền gửi tại các TCTD

 

4. Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh

 

II. Mẫu số

B

Tổng tiền gửi bao gồm tiết kiệm bắt buộc và tiền gửi tự nguyện

 

III. Tỷ lệ khả năng chi trả (A/B*100%)

 

Thông tư 07/2009/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

STTTiêu đề văn bảnNgày thángNơi ban hành
1

Thông tư 57/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 141/2011/TT-BTC quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và

20/06/2014BỘ TÀI CHÍNH
2

Công văn 1448/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ về việc giải quyết chế độ nghỉ hưu đối với công chức, viên chức, người quản lý trong doanh nghiệp Nhà nước đang kéo dài thời gian công tác

20/06/2014BỘ NỘI VỤ
3

Quyết định 520/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

20/06/2014BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
4

Quyết định 521/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

20/06/2014BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
5

Nghị định 100/2013/NĐ-CP 03/09/2013 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

12/09/2013CHÍNH PHỦ
6

Nghị định 101/2013/NĐ-CP 04/09/2013 Quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng

12/09/2013CHÍNH PHỦ
7

Thông tư 16/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ cho học sinh, sinh viên trong các sơ sở dạy nghề

09/09/2013Bộ LĐ & TBXH
8

Quyết định 52/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định chế độ trợ cấp với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu

09/09/2013THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
9

Nghị định 77/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá

26/08/2013Chính Phủ
10

Nghị định 87/2013/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân

26/08/2013Chính Phủ
11

Nghị định 88/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam

26/08/2013Chính Phủ
12

Chỉ thị 08/CT-BGTVT năm 2013 tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Bộ Giao thông vận tải

26/08/2013Bộ GTVT
13

Chỉ thị 09/CT-TTg năm 2013 tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

26/08/2013THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
14

Chỉ thị 3004/CT-BGDĐT năm 2013 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013 – 2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

26/08/2013Bộ GD & ĐT
15

Công văn 3832/BNN-TCCB năm 2013 đánh giá tác động của việc thành lập Chi cục Chăn nuôi Thú y, Chi cục trồng trọt Bảo vệ thực vật trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

26/08/2013Bộ NN&PTNT
16

Công văn 4915/TCHQ-GSQL năm 2013 tăng cường kiểm tra, giám sát xuất nhập khẩu mặt hàng sữa do Tổng cục Hải quan ban hành

26/08/2013Bộ Tài chính
17

Công văn 2847/BNN-KTHT năm 2013 về báo cáo tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

26/08/2013Bộ NN&PTNT
18

Nghị quyết số 24/2008/QH12

26/08/2013QUỐC HỘI
19

Nghị định số 74/2009/NĐ-CP

26/08/2013CHÍNH PHỦ
20

Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC

26/08/2013VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN