Chào mừng Quý Khách đến với Công ty luật Hoàng Minh

Thông tư 65/2011/TT-BCA của Bộ Công an quy định về quản lý dự án đầu tư, đấu thầu xây dựng công trình trong Công an Nhân dân

BỘ CÔNG AN
------------
Số: 65/2011/TT-BCA
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2011
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ, ĐẤU THẦU XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/09/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (Nghị định số 12/2009/NĐ-CP), Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP (Nghị định 83/2009/NĐ-CP); Căn cứ Nghị định số 112/209/NĐ-CP ngày 14/12/2009 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng (Nghị định số 85/2009/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 về hợp đồng trong hoạt động xây dựng (Nghị định số 48/2010/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng (Nghị định số 209/2004/NĐ-CP), Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP (Nghị định số 49/2008/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an,
Bộ Công an quy định về quản lý dự án đầu tư, đấu thầu xây dựng công trình trong Công an nhân dân như sau:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết về quản lý dự án đầu tư, đấu thầu xây dựng công trình trong Công an nhân dân bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình và hạng mục công trình xây dựng thuộc dự án khác (thực hiện theo nhóm của dự án), dự án thành phần sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác do Bộ Công an quản lý.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình trong Công an nhân dân.
Điều 3. Biểu mẫu
Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu về quản lý dự án đầu tư, đấu thầu xây dựng công trình trong Công an nhân dân
Chương 2.
LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
MỤC 1. LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 4. Lập, trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình
1. Sau khi Bộ Công an thông báo danh mục công trình chuẩn bị đầu tư xây dựng hàng năm thì chủ đầu tư tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng công trình để trình người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP; trừ trường hợp công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP. Trường hợp các gói thầu dịch vụ tư vấn thực hiện trước khi có quyết định đầu tư thì chủ đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP.
2. Trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình để trình người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt, chủ đầu tư lập nhu cầu đầu tư hoặc nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình kèm theo bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế sơ bộ (các bản vẽ mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng hạng mục công trình chính) báo cáo người quyết định đầu tư quyết định bằng văn bản.
3. Khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình, phải bảo đảm tính đồng bộ trong mục tiêu đầu tư; không chia nhỏ các nội dung trong mục tiêu đầu tư để lập dự án.
Điều 5. Nội dung trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình
1. Nội dung thuyết minh của dự án đầu tư xây dựng công trình gồm:
- Tên công trình;
- Tư vấn lập dự án;
- Địa điểm xây dựng;
- Diện tích sử dụng đất;
- Căn cứ pháp lý: Quyết định về quy mô, ấn định biên chế tổ chức …; chứng chỉ quy hoạch, chứng nhận về quyền sử dụng đất (nếu có) …; ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các cấp (nếu có); các văn bản khác có liên quan đến dự án đầu tư xây dựng (nếu có).
- Sự cần thiết và chủ trương đầu tư xây dựng công trình (nêu ngắn gọn chủ trương đầu tư công trình được đồng ý tại văn bản nào);
- Quy mô và mục tiêu đầu tư xây dựng công trình (tùy theo tính chất sử dụng của công trình để nêu cụ thể);
- Hình thức đầu tư: Xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng;
- Hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
- Quy mô và diện tích xây dựng công trình: Tiêu chuẩn áp dụng theo quy định của Chính phủ về tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân hoặc các tiêu chuẩn khác (nếu có);
- Các hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình:
+ Nêu đầy đủ các hạng mục công trình thuộc dự án; trong đó, thể hiện rõ số lượng, số tầng cao, cấp công trình, diện tích sử dụng chính, diện tích sàn hoặc xây dựng của hạng mục cần xây dựng; kết cấu chính; m2 của hạng mục cổng tường rào; m3 cát hoặc đất của hạng mục san lấp; m2 sân đường nội bộ …. Đối với các công trình cải tạo, mở rộng, phải nêu đầy đủ hiện trạng, nội dung, diện tích cần điều chỉnh bổ sung;
+ Nêu phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư và phương án hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật (nếu có);
- Đánh giá tác động môi trường, giải pháp phòng cháy, chữa cháy và yêu cầu về an ninh, quốc phòng;
- Tổng mức đầu tư xây dựng công trình:
+ Căn cứ xác định: Thiết kế cơ sở bao gồm cả thiết kế công nghệ (nếu có); chế độ, chính sách của nhà nước có liên quan; chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật; yếu tố trượt giá theo thời gian xây dựng công trình; chỉ số giá xây dựng …;
+ Căn cứ xác định giá trị các chi phí của tổng mức bao gồm: Giá trị chi phí xây dựng; giá trị chi phí thiết bị; giá trị chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giá trị chi phí quản lý dự án; giá trị chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; giá trị chi phí khác; giá trị chi phí dự phòng;
+ Tổng mức đầu tư xây dựng công trình gồm: Chi phí xây dựng (GXD); chi phí trang thiết bị (GTB); chi phí quản lý dự án (GQLDA); chi phí tư vấn đầu tư xây dựng (GTV); chi phí khác (GK); chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư (GĐB); chi phí dự phòng (GDP): 10% cho dự án nhóm C, 15% cho dự án nhóm A, B (tỷ lệ % có thể thay đổi trên cơ sở độ dài thời gian xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng hàng năm phù hợp với loại công trình xây dựng có tính đến khả năng biến động giá trong nước và quốc tế).
Tổng mức đầu tư (GXD+GTB+GQLDA+GTV+GK+GĐB+GDP).
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình: Vốn ngân sách nhà nước do Bộ Công an cấp; vốn hỗ trợ của ngân sách địa phương (nếu có); vốn trích từ các nguồn khác (nếu có); vốn chuyển đổi tài sản nhà và đất (nếu có);
- Phân đoạn thực hiện dự án xây dựng công trình: Căn cứ vào tổng mức đầu tư và quy mô của dự án, chủ đầu tư đề nghị kế hoạch cấp vốn hàng năm cho từng giai đoạn của dự án để phân đoạn thực hiện (Phân kỳ đầu tư) cho phù hợp. Phân đoạn thực hiện theo thứ tự từ giai đoạn I đến giai đoạn cuối cùng;
- Kết luận và kiến nghị.
2. Nội dung thiết kế cơ sở của dự án gồm:
- Phương án công nghệ, dây chuyền công nghệ (nếu có) và phương án kiến trúc, kết cấu công trình. Trong đó, cần giới thiệu tóm tắt về địa điểm xây dựng, tổng mặt bằng công trình, vị trí, quy mô xây dựng các hạng mục công trình, việc kết nối các hạng mục công trình thuộc dự án với hạ tầng kỹ thuật của khu vực.
- Nội dung thuyết minh thiết kế cơ sở đối với hạng mục công trình là nhà:
+ Giải pháp kiến trúc: Nêu rõ kết cấu nhà, diện tích sử dụng, diện tích sàn (đối với nhà 1 tầng), kích thước bước gian chính, diện tích hành lang bên hoặc giữa, logia (nếu có), kết cấu cầu thang bộ, cầu thang máy (nếu có). Đối với nhà cao 2 tầng trở lên, mỗi tầng phải thuyết minh về công năng sử dụng của từng tầng (làm việc, ăn, ở, hội họp, vệ sinh, cầu thang …);
+ Giải pháp kết cấu: Nêu rõ kết cấu nền móng là móng nông hay móng sâu. Giải pháp móng sâu (móng cọc ép bê tông cốt thép, cọc nhồi bê tông cốt thép, cọc xi măng cát …); giải pháp móng nông trên nền đất tự nhiên hoặc nền đất yếu phải xử lý (móng xây gạch, móng bằng bê tông cốt thép, móng trụ độc lập bê tông cốt thép …); kết cấu nhà khung bê tông cốt thép chịu lực hay tường xây gạch chịu lực; sàn các tầng bê tông cốt thép, trần (bê tông cốt thép hay trần tấm nhựa, trần thạch cao, trần tôn lạnh …); tường xây gạch bao che; mái dốc, xà gồ thép, lợp tôn chống nóng, chống thấm hay mái dốc bê tông cốt thép dán ngói (hoặc mái bằng xử lý chống nóng, chống thấm);
+ Giải pháp hoàn thiện (trát, lát, láng, sơn, bả, cửa sổ, cửa đi, khuôn cửa …);
+ Giải pháp cấp điện chiếu sáng, cấp nước, thoát nước: nêu rõ giải pháp thiết kế, chủng loại, thiết bị (ngoại nhập, nội địa hay liên doanh).
Việc sử dụng vật liệu cấu thành công trình phải căn cứ nguồn cung cấp thực tế tại địa phương để nêu rõ và đầy đủ chủng loại, chất lượng theo quy định.
- Thuyết minh rõ thiết kế cơ sở về phương án kết cấu đối với một số hạng mục công trình khác có tính đặc trưng như: Tường rào, cổng ngõ; san nền (nếu có); kè chắn đất hoặc cát (nếu có); sân đường nội bộ; cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước ngoài nhà; cáp thông tin, cáp mạng máy tính (nếu có); chống sét (nếu có); phòng cháy, chữa cháy (nếu có); chống mối (nếu có); phá dỡ nhà cũ (nếu có); trang thiết bị (nếu có). Các hạng mục có nội dung xây dựng, sử dụng vật liệu cấu thành thì phải nêu cụ thể, đầy đủ chủng loại, chất lượng vật liệu theo quy định (xi măng, gạch máy, cốt thép, bê tông cốt thép, …). Các hạng mục có nội dung lắp đặt, sử dụng vật liệu và thiết bị cấu thành phải nêu rõ tính năng, công suất, thông số kỹ thuật cơ bản, tiêu chuẩn cho phép áp dụng …;
- Giải pháp thiết kế cơ sở cho phép chủ đầu tư được thay đổi trong các bước thiết kế tiếp theo;
- Bản vẽ thiết kế cơ sở bao gồm:
+ Bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng công trình;
+ Bản vẽ sơ đồ công nghệ, bản vẽ dây chuyền công nghệ (đối với công trình có yêu cầu công nghệ);
+ Bản vẽ phương án kiến trúc, bản vẽ phương án kết cấu chính đối với tất cả các hạng mục công trình của dự án có yêu cầu kiến trúc, kết cấu;
+ Bản vẽ hạ tầng kỹ thuật chủ yếu của công trình nêu rõ tổng mặt bằng cấp, thoát nước, cấp điện và chiếu sáng, cổng, tường rào, sân, đường nội bộ công trình và các bản vẽ thiết kế kiến trúc, kết cấu chính của các hạng mục này;
+ Bản vẽ kết nối hạ tầng kỹ thuật công trình với hạ tầng kỹ thuật của khu vực.
Ngoài những quy định chung đối với bản vẽ thiết kế cơ sở (trừ công trình thi tuyển thiết kế kiến trúc quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 83/2009/NĐ-CP) thì quy hoạch tổng mặt bằng công trình ít nhất có từ 02 đến 03 phương án, trong đó có phương án chọn. Bản vẽ phương án kiến trúc bản vẽ phương án kết cấu, bản vẽ hạ tầng kỹ thuật công trình ít nhất có từ 01 đến 02 phương án. Phương án chọn phải được thẩm định theo quy định.
Điều 6. Thẩm định, quyết định dự án đầu tư xây dựng công trình
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập và gửi hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình tới người có thẩm quyền quyết định đầu tư để tổ chức thẩm định và phê duyệt.
2. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật quyết định đầu tư thì Cục Quản lý xây dựng cơ bản và doanh trại có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ dự án để tổ chức thẩm định; tổng hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan, nhận xét, đánh giá, kiến nghị và trình người quyết định đầu tư phê duyệt.
3. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình do thủ trưởng các đơn vị quyết định đầu tư theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an thì đơn vị chuyên môn cấp dưới trực tiếp có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thẩm định, tổng hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan, nhận xét, đánh giá, kiến nghị và trình người quyết định đầu tư phê duyệt.
4. Khi tổ chức thẩm định, đơn vị chuyên môn đầu mối thực hiện:
a) Lấy ý kiến tham gia về dự án, thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý ngành; cơ quan quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; cơ quan quản lý nhà nước và ý kiến các cơ quan liên quan đến dự án thẩm định dự án (đối với các dự án quy định phải lấy ý kiến).
b) Công trình không phải gửi thiết kế cơ sở cho các Sở, ban, ngành liên quan để tham gia ý kiến, gồm: Công trình nghiệp vụ, công trình làm theo thiết kế mẫu, công trình có yêu cầu bảo mật (trong quyết định đầu tư hoặc trong quy định của ngành); công trình không nằm trong quy hoạch đô thị.
c) Trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình có áp dụng mẫu các công trình đặc thù, phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an (qua Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật) bằng văn bản.
d) Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định đầu tư, phải lấy ý kiến tham gia của Cục Tài chính về các nội dung tài chính, kinh tế và thời gian đầu tư trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
đ) Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình do Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật quyết định đầu tư, phải lấy ý kiến tham gia của Cục Kế hoạch và Đầu tư và kế hoạch phân bổ vốn và thời gian đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
e) Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình do các chủ thể khác được Bộ trưởng Bộ Công an phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư, phải lấy ý kiến tham gia bộ phận chuyên môn liên quan về các nội dung tài chính, kinh tế và thời gian đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Hồ sơ thẩm định, trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình
a) Hồ sơ trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình gồm:
- Tờ trình xin phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình;
- Bản thuyết minh dự án đầu tư xây dựng công trình và Bản thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng công trình;
- Văn bản pháp lý và văn bản tham gia ý kiến của các cơ quan quản lý có liên quan.
b) Hồ sơ trình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình gồm:
- Báo cáo kết quả thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình;
- Hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình chủ đầu tư trình thẩm định, phê duyệt;
- Văn bản tham gia thẩm định của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến dự án.
c) Thời gian thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình cụ thể như sau:
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc nhóm A, thời gian thẩm định không quá 40 ngày làm việc, trong đó:
+ Thời gian Cục Quản lý xây dựng cơ bản và doanh trại thẩm định không quá 30 ngày làm việc;
+ Thời gian Cục Tài chính, Cục Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến không quá 10 ngày làm việc.
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc nhóm B, thời gian thẩm định không quá 25 ngày làm việc, trong đó:
+ Thời gian Cục Quản lý xây dựng cơ bản và doanh trại thẩm định không quá 18 ngày làm việc;
+ Thời gian Cục Tài chính, Cục Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến không quá 07 ngày làm việc.
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc nhóm C, thời gian thẩm định không quá 15 ngày làm việc, trong đó:
+ Thời gian Cục Quản lý xây dựng cơ bản và doanh trại thẩm định không quá 10 ngày làm việc;
+ Thời gian Cục Tài chính, Cục Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến không quá 05 ngày làm việc.
6. Báo cáo thẩm định thực hiện theo mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
7. Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo mẫu số 02A, 02B Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
MỤC 2. LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT BÁO CÁO KINH TẾ - KỸ THUẬT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 7. Lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình
1. Việc lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình thực hiện như sau:
a) Chủ đầu tư lập hoặc thuê tư vấn lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình;
b) Trước khi lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình để trình thẩm định, phê duyệt, chủ đầu tư lập nhu cầu đầu tư hoặc nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình kèm theo bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế sơ bộ (các bản vẽ mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng hạng mục công trình chính) báo cáo người quyết định đầu tư quyết định (bằng văn bản) trước khi thực hiện các bước tiếp theo. Trường hợp dự án có áp dụng mẫu các công trình đặc thù thì thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 6 Thông tư này.
2. Nội dung báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình bao gồm:
- Tên công trình;
- Tổ chức tư vấn (tư vấn lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, tư vấn khảo sát địa chất nếu có, tư vấn thẩm tra thiết kế dự toán nếu có);
- Địa điểm xây dựng công trình;
- Cấp công trình;
- Các căn cứ pháp lý;
- Sự cần thiết, chủ trương đầu tư xây dựng công trình;
- Quy mô và mục tiêu đầu tư xây dựng công trình;
- Hình thức đầu tư xây dựng công trình (xây mới, cải tạo mở rộng …);
- Quy mô xây dựng công trình;
- Nội dung xây dựng; phòng, chống cháy, nổ; môi trường và thiết kế bản vẽ thi công (thiết kế một bước) được thực hiện theo Điểm a Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP;
- Tổng mức đầu tư, tổng dự toán đầu tư xây dựng công trình: chi phí đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này; dự toán hạng mục công trình thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư này;
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình (vốn ngân sách nhà nước do Bộ Công an cấp, vốn hỗ trợ của địa phương, vốn chuyển đổi tài sản nhà và đất …);
- Phương thức thực hiện dự án đầu tư;
- Thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo đảm sự phù hợp giữa tổng mức đầu tư, tổng dự toán với kế hoạch cấp vốn hàng năm của Bộ Công an.
Điều 8. Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật
1. Đối với công trình không phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình mà chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình thì chủ đầu tư tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình.
Trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực theo quy định thì được thuê tư vấn là tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra làm cơ sở cho việc thẩm định. Đối với công trình có liên quan đến môi trường, phòng, chống cháy, nổ; an ninh, quốc phòng, khi thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, chủ đầu tư phải tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan quản lý ngành, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình thực hiện theo mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Đồng thời, gửi hồ sơ về cấp quyết định đầu tư để tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật.
2. Hồ sơ trình thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật bao gồm:
- Tờ trình xin phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật của chủ đầu tư;
- Báo cáo kinh tế - kỹ thuật bao gồm phần thuyết minh, bản vẽ thiết kế thi công, các văn bản pháp lý và văn bản liên quan khác (nếu có);
- Kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình của chủ đầu tư;
- Văn bản tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan.
3. Chủ đầu tư ký xác nhận và đóng dấu đã phê duyệt vào bản vẽ thiết kế thi công sau khi báo cáo kinh tế - kỹ thuật được duyệt trước khi đưa ra thi công.
4. Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình thực hiện theo mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 9. Thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình
1. Thi tuyển thiết kế kiến trúc hoặc tuyển chọn phương án kiến trúc được thực hiện trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Việc thi tuyển thiết kế kiến trúc hoặc tuyển chọn phương án kiến trúc do người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định và chỉ áp dụng cho những công trình sau:
a) Công trình có quy mô cấp I, cấp đặc biệt;
b) Trụ sở xây dựng mới của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c) Trụ sở xây dựng mới của cơ quan Bộ, Tổng cục, Bộ tư lệnh, Cục, Vụ, Viện, Trường Công an nhân dân.
2. Ngoài các công trình nêu trên và các công trình quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP đã được sửa đổi theo Nghị định số 83/2009/NĐ-CP thì chủ đầu tư tự quyết định việc tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc hay tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình.
Chương 3.
THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
MỤC 1. THIẾT KẾ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 10. Lập thiết kế, dự toán xây dựng công trình
1. Chủ đầu tư căn cứ vào dự toán đầu tư xây dựng công trình và kế hoạch đấu thầu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức lập thiết kế, dự toán xây dựng công trình. Trường hợp không đủ năng lực thì thuê tổ chức tư vấn thiết kế có đủ năng lực lập thiết kế, dự toán theo quy định.
2. Các bước thiết kế
a) Các bước thiết kế xây dựng công trình thực hiện theo quy định Điều 16 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP;
b) Các bước thiết kế khác theo thông lệ quốc tế (nếu có).
3. Đối với công trình phải thực hiện thiết kế 2 bước trở lên, các bước thiết kế tiếp theo phải tuân thủ thiết kế cơ sở và chỉ được triển khai thực hiện trên cơ sở bước thiết kế đã được phê duyệt.
4. Trường hợp thiết kế ở các bước sau thiết kế cơ sở trái với quy định tại Khoản 3 Điều này thì phương án dự kiến thay đổi phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định trước khi chủ đầu tư phê duyệt.
5. Nội dung của thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.
a) Nội dung của thiết kế kỹ thuật phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:
- Phù hợp với thiết kế cơ sở được duyệt;
- Giải pháp kết cấu công trình phải bảo đảm an toàn, phù hợp với nội dung dự án được duyệt và phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật;
- Lựa chọn dây chuyền và thiết bị công nghệ phù hợp với tiêu chuẩn quy phạm (đối với công trình có yêu cầu công nghệ);
- Tuân thủ quy định về môi trường, phòng cháy, chữa cháy;
- Đủ căn cứ để triển khai bước thiết kế bản vẽ thi công.
b) Nội dung của thiết kế bản vẽ thi công phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:
- Phù hợp với thiết kế cơ sở hoặc thiết kế kỹ thuật được duyệt ở bước trước đó;
- Giải pháp kết cấu công trình phải bảo đảm an toàn, phù hợp với nội dung dự án được duyệt và phù hợp tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật;
- Lựa chọn dây chuyền và thiết bị công nghệ phù hợp với tiêu chuẩn quy phạm (đối với công trình có yêu cầu công nghệ);
- Tuân thủ quy định về môi trường, phòng cháy, chữa cháy;
- Bảo đảm đủ điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình.
c) Nội dung của dự toán phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:
- Các công việc trong dự toán phải được áp dụng đúng, đủ các định mức theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP, đơn giá xây dựng cơ bản của địa phương. Đối với các việc mà đơn giá không có trong định mức đơn giá của địa phương thì phải xây dựng đơn giá trên cơ sở thông báo giá do liên Sở Xây dựng - Tài chính của địa phương phát hành, báo giá của các nhà cung cấp hoặc giá áp dụng đối với công trình tại khu vực lân cận đã được cấp thẩm quyền phê duyệt;
- Giá trị tổng dự toán xây dựng công trình, giá trị dự toán hạng mục công trình phải được tính đúng, đủ các chi phí;
- Nội dung các chi phí thuộc giá trị tổng dự toán xây dựng công trình, giá trị dự toán hạng mục công trình phải phù hợp theo nội dung các chi phí đầu tư tại quyết định phê duyệt dự án hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật;
- Tổng dự toán công trình không được vượt tổng mức đầu tư được duyệt;
- Trường hợp công trình có tính tới chi phí vận chuyển vật tư, vật liệu, đối với mỗi loại vật tư, vật liệu phải thể hiện rõ: phương thức vận chuyển, cự ly vận chuyển, đơn giá vận chuyển, bậc hàng, hệ số điều chỉnh bậc hàng, loại đường và hệ số trọng lượng, hệ số nâng hạ ben (áp dụng với vận chuyển bằng ô tô), loại sông và phương tiện vận chuyển (vận chuyển bằng đường thủy).
Điều 11. Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán công trình
1. Chủ đầu tư tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán, tổng dự toán công trình
a) Đầu mối thẩm định là đơn vị chuyên môn trực thuộc chủ đầu tư và do chủ đầu tư quyết định. Trường hợp đơn vị chuyên môn trực thuộc chủ đầu tư không đủ năng lực theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 83/2009/NĐ-CP có thể thuê tư vấn thẩm tra làm cơ sở cho việc thẩm định (kết quả thẩm tra phải bằng văn bản);
b) Hồ sơ, nội dung trình thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, tổng dự toán.
- Hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán gồm:
+ Tờ trình xin phê duyệt thiết kế, dự toán;
+ Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình, bản sao báo cáo thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình và các văn bản pháp lý liên quan khác;
+ Hồ sơ thiết kế cơ sở được duyệt;
+ Các tài liệu về khảo sát xây dựng, địa hình, khí tượng thủy văn và các tài liệu liên quan khác;
+ Các văn bản quy định về quy hoạch kiến trúc xây dựng;
+ Hồ sơ thuyết minh thiết kế kỹ thuật;
+ Các bản vẽ thiết kế kỹ thuật;
+ Dự toán, tổng dự toán xây dựng công trình;
+ Biên bản nghiệm thu các hồ sơ khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa hình, thiết kế, dự toán, các tài liệu tư vấn liên quan khác;
+ Báo cáo thẩm tra thiết kế, dự toán, tổng dự toán của đơn vị tư vấn thẩm tra (nếu có);
+ Hồ sơ tư cách pháp nhân của các đơn vị tư vấn (tư vấn khảo sát địa chất công trình, tư vấn khảo sát địa hình, tư vấn lập thiết kế, dự toán, tư vấn thẩm tra thiết kế, dự toán);
+ Báo cáo kết quả thẩm định thiết kế, dự toán, tổng dự toán công trình.
- Nội dung thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán (nêu tóm tắt) gồm:
+ Tên công trình;
+ Địa điểm xây dựng công trình;
+ Tổng mức đầu tư được duyệt;
+ Quy mô xây dựng;
+ Các đơn vị tư vấn;
+ Các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng áp dụng;
+ Nội dung và chất lượng hồ sơ do đơn vị tư vấn thiết kế lập.
- Kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật gồm:
+ Thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng;
+ Thiết kế kiến trúc, kết cấu công trình;
+ Trang thiết bị công trình.
- Kết quả thẩm định dự toán, tổng dự toán xây dựng công trình gồm:
+ Dự toán (tổng dự toán) do tư vấn thiết kế lập;
+ Dự toán (tổng dự toán) sau khi thẩm định, đề xuất phê duyệt;
+ Giá trị dự toán (tổng dự toán) sau khi thẩm định, thay đổi so với giá trị dự toán (tổng dự toán) tư vấn thiết kế lập: Tăng, giảm. Giải trình lý do;
+ Giá trị tổng dự toán sau khi thẩm định, thay đổi so với giá trị tổng mức đầu tư được duyệt: Tăng, giảm, Giải trình lý do;
- Kết luận, kiến nghị.
2. Phê duyệt thiết kế, tổng dự toán công trình
a) Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế, dự toán, tổng dự toán công trình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;
b) Quyết định phê duyệt thiết kế, dự toán phải được thể hiện bằng văn bản, nội dung của quyết định phê duyệt thiết kế, dự toán thực hiện theo mẫu số 05 Phụ lục kèm theo Thông tư này.
3. Điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán, dự toán công trình.
c) Chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh các giải pháp thiết kế cơ sở được thay đổi theo quyết định phê duyệt dự án;
b) Khi điều chỉnh hoặc phê duyệt lại thiết kế, dự toán theo một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 1 Luật số 38/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, Điều 14 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 83/2009/NĐ-CP không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án thì chủ đầu tư phải tổ chức thẩm định, phê duyệt, sau đó báo cáo người quyết định đầu tư bằng văn bản và phải chịu trách nhiệm về việc phê duyệt của mình.
c) Khi điều chỉnh hoặc phê duyệt lại thiết kế, dự toán theo Điểm a, Điểm b Khoản này, làm vượt tổng mức đầu tư (bao gồm cả trường hợp chủ đầu tư dùng nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn của dự án) thì chủ đầu tư phải lập hồ sơ bổ sung, báo cáo cấp quyết định đầu tư xây dựng công trình thẩm định lại và phê duyệt theo thẩm quyền. Chủ đầu tư chỉ triển khai thực hiện sau khi đã được phê duyệt. Nội dung báo cáo gồm: Lý do, phương án, giá trị điều chỉnh và các nội dung liên quan khác cần thiết phải giải trình trong báo cáo.
Trường hợp chủ đầu tư tự ý thực hiện mà không báo cáo cấp thẩm quyền thì khối lượng, giá trị phát sinh được xử lý theo quy định về quyết toán đầu tư xây dựng công trình.
MỤC 2. ĐẤU THẦU
Điều 12. Thông tin về đấu thầu
Các thông tin về đấu thầu thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật Đấu thầu, Điều 7 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP.
Điều 13. Kế hoạch đấu thầu
1. Kế hoạch đấu thầu phải lập cho toàn bộ dự án đầu tư xây dựng công trình. Trường hợp chưa đủ điều kiện và thật cần thiết thì được phép lập kế hoạch đấu thầu cho một số gói thầu để thực hiện trước.
2. Thời gian lựa chọn nhà thầu
a) Thời gian trong đấu thầu thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Đấu thầu và Điều 8 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP;
b) Đối với dự án do Bộ Công an quản lý, thời gian từ ngày phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đến ngày ký hợp đồng: không quá 75 ngày đối với hình thức đấu thầu rộng rãi và hình thức đấu thầu hạn chế; 70 ngày đối với hình thức đấu thầu lựa chọn tư vấn; 60 ngày đối với hình thức chào hàng cạnh tranh; 45 ngày đối với chỉ định thầu; 90 ngày đối với gói thầu có quy mô lớn và phức tạp.
3. Hợp đồng xây dựng
Tùy theo tính chất của gói thầu, việc xác định hình thức hợp đồng cho từng gói thầu thực hiện theo quy định từ Điều 49 đến Điều 53 Luật Đấu thầu; Điều 107 Luật Xây dựng; từ Điều 48 đến Điều 52 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP và Điều 3 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP.
4. Thời gian thực hiện hợp đồng
Thời gian thực hiện hợp đồng phải bảo đảm việc thực hiện gói thầu phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, khối lượng của gói thầu. Đối với gói thầu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, thời gian thực hiện không quá 18 tháng.
5. Giá gói thầu xây lắp
a) Giá gói thầu phải được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc tổng vốn đầu tư, dự toán được duyệt (nếu có) và các quy định liên quan. Đối với gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu được xây dựng trên cơ sở hồ sơ thiết kế và dự toán được duyệt. Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn phải lập khối lượng chuẩn xác; đơn giá để lập giá gói thầu áp dụng theo đơn giá xây dựng cơ bản của địa phương, công bố giá của liên Sở Tài chính - Xây dựng và các Thông tư hướng dẫn tại thời điểm lập giá gói thầu;
Trường hợp giá vật liệu không có trong thông báo giá thì giá cấu thành đơn giá được lấy từ kết quả thẩm định giá của đơn vị thẩm định giá được phép hoạt động theo quy định của Bộ Tài chính, giá của các gói thầu thuộc dự án khác cùng thời gian triển khai thực hiện (trừ các chi phí vận chuyển và các yếu tố đặc thù của từng địa phương hoặc báo giá của các nhà cung cấp).
b) Đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định đầu tư, giá gói thầu xác định theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP.
6. Hình thức hợp đồng trọn gói và hình thức hợp đồng theo đơn giá áp dụng cho gói thầu xây lắp.
a) Đối với gói thầu đủ điều kiện để xác định rõ về số lượng, khối lượng thì chủ đầu tư áp dụng hình thức trọn gói để ký hợp đồng. Hợp đồng thanh toán theo nguyên tắc quy định tại Điều 48 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP;
b) Đối với gói thầu chưa có đủ điều kiện để xác định rõ về số lượng, khối lượng thì chủ đầu tư áp dụng hình thức theo đơn giá để ký hợp đồng. Hợp đồng thanh toán theo nguyên tắc quy định tại Điều 49 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP;
c) Trường hợp trong gói thầu có nội dung công việc chưa xác định được rõ về khối lượng, số lượng thì nội dung công việc này áp dụng hình thức theo đơn giá để ký hợp đồng. Đối với các nội dung khác có đủ điều kiện để xác định rõ về số lượng, khối lượng công việc áp dụng hình thức trọn gói để ký hợp đồng.
d) Trường hợp hợp đồng được phép điều chỉnh, ngoài những nội dung thực hiện theo quy định được phép điều chỉnh (không cần điều kiện ràng buộc tại hợp đồng hoặc không nằm trong phạm vi điều chỉnh của hợp đồng) thì các nội dung điều chỉnh khác phải có trong phạm vi (hoặc khung điều chỉnh) và điều kiện ràng buộc của hợp đồng.
Điều 14. Trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu
1. Căn cứ vào quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư lập và trình duyệt kế hoạch đấu thầu phù hợp với các nội dung đã quy định và kế hoạch vốn.
2. Thẩm định kế hoạch đấu thầu
a) Cục Quản lý xây dựng cơ bản và doanh trại chịu trách nhiệm thẩm định kế hoạch đấu thầu dự án cho tất cả các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Bộ trưởng Bộ Công an và Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật;
b) Đơn vị chuyên môn trực thuộc cấp quyết định đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định kế hoạch đấu thầu các dự án được Bộ trưởng Bộ Công an phân cấp quyết định đầu tư;
c) Báo cáo thẩm định kế hoạch đấu thầu thực hiện theo mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Người quyết định đầu tư là người phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu thực hiện theo mẫu số 07 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 15. Thẩm định kết quả đấu thầu
1. Đối với dự án Bộ trưởng Bộ Công an giao Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật làm chủ đầu tư, đơn vị chuyên môn trực thuộc chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án, hoặc đơn vị tham mưu chuyên ngành) lập báo cáo thẩm định kết quả đấu thầu trên cơ sở báo cáo của bên mời thầu để trình chủ đầu tư xem xét, quyết định.
2. Đối với dự án có chủ đầu tư là các chủ thể khác, bộ phận chuyên môn cấp dưới trực tiếp của chủ đầu tư lập báo cáo thẩm định kết quả đấu thầu trên cơ sở báo cáo của bên mời thầu để trình chủ đầu tư xem xét, quyết định.
3. Việc thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu phải thực hiện đúng quyết định phê duyệt dự án vá quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
4. Thẩm định kết quả đấu thầu
Khi tổ chức thẩm định kết quả đấu thầu, cần thực hiện các công việc sau:
a) Thuyết minh rõ danh sách các nhà thầu được mời tham gia đấu thầu, các nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, các nhà thầu gửi hồ sơ dự thầu; nêu rõ lý do đối với các nhà thầu không tham gia trong từng giai đoạn trên;
b) Giá đánh giá của bên mời thầu hoặc tư vấn đấu thầu phải nêu rõ 2 phần: Phần giá theo khối lượng mời thầu, phần giá theo khối lượng ngoài hồ sơ mời thầu của nhà thầu và của tư vấn đấu thầu và giá đề nghị trúng thầu;
c) Trên cơ sở đánh giá của tư vấn đấu thầu và báo cáo thẩm định kết quả đấu thầu, chủ đầu tư phê duyệt kết quả đấu thầu; trường hợp xử lý tình huống đấu thầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 70 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP làm vượt tổng mức đầu tư được duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo duyệt bổ sung tổng mức đầu tư xây dựng công trình trước khi duyệt kết quả đấu thầu;
d) Việc phê duyệt dự toán của gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) chỉ được chấp nhận trong trường hợp bổ sung giá trị khối lượng còn thiếu để hoàn chỉnh đúng thiết kế được duyệt hoặc biến động về giá; chế độ chính sách. Không duyệt bổ sung trường hợp thay đổi quy mô thiết kế, quy cách, số lượng, chủng loại và cấp vật tư;
đ) Trường hợp gói thầu có tính chất phức tạp, có thể thành lập tổ thẩm định liên ngành để thẩm định thuê tổ chức tư vấn có tư cách pháp nhân, đủ năng lực và kinh nghiệm để thẩm định. Trưởng bộ phận chuyên môn (hoặc tổ chức tư vấn) chịu trách nhiệm báo cáo kết quả thẩm định.
5. Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu thực hiện theo mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 16. Thẩm quyền xử lý tình huống và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu
a) Chủ đầu tư là người quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.
b) Việc giải quyết các kiến nghị trong đấu thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 72 Luật Đấu thầu.
MỤC 3. QUẢN LÝ THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 17. Quản lý chất lượng xây dựng công trình
1. Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, giám sát thi công và giám sát tác giả của tư vấn thiết kế phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng thi công xây dựng công trình.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư trong trường hợp trực tiếp quản lý hoặc thuê tư vấn quản lý dự án thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng (Thông tư số 27/2009/TT-BXD).
3. Trách nhiệm của các bên trong giám sát chất lượng thi công công trình
a) Trách nhiệm giám sát chất lượng thi công của chủ đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP;
b) Trách nhiệm quản lý chất lượng thi công xây dựng của nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP;
c) Trách nhiệm giám sát tác giả của nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.
Điều 18. Quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình
Việc quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP. Tiến độ thi công công trình được thể hiện trong hợp đồng đã ký kết giữa chủ đầu tư với nhà thầu và được ràng buộc bởi các điều kiện thưởng, phạt nếu rút ngắn hoặc kéo dài tiến độ thi công. Tiến độ thi công chỉ được kéo dài khi được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư đồng ý (phê duyệt). Nếu nhà thầu cố tình kéo dài tiến độ so với cam kết tại hồ sơ dự thầu và hợp đồng để hưởng lợi thì sẽ bị trừ khoản hưởng lợi khi quyết toán công trình. Điều khoản này bắt buộc có trong hồ sơ mời thầu và được cam kết trong hợp đồng.
Điều 19. Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình
Việc quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP, Thông tư số 27/2009/TT-BXD. Khối lượng được nghiệm thu và xác nhận giữa chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát theo thời gian thi công được thể hiện trong nhật ký công trình và biên bản nghiệm thu. Khối lượng thi công do nhà thầu tính thiếu khi làm hồ sơ dự thầu không được nghiệm thu, trừ trường hợp nhà thầu đã lập bảng tính bổ sung và thuyết minh trong hồ sơ dự thầu và phải được duyệt trong kết quả trúng thầu. Trong quá trình thi công có phát sinh khối lượng ngoài thiết kế được duyệt thì chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát phải có biên bản xác nhận và phải được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt, trừ trường hợp bất khả kháng.
Điều 20. Quản lý năng lực thi công xây dựng
1. Điều kiện, năng lực của nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu tư vấn quản lý điều hành dự án, nhà thầu tư vấn quản lý, giám sát một số phần việc do Ban Quản lý dự án thuê, nhà thầu tư vấn thiết kế trong giám sát quyền tác giả đối với thiết kế công trình, phải phù hợp với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng đã ký kết. Quá trình thực hiện thi công xây dựng công trình đến khi bàn giao đưa vào sử dụng và trong thời gian bảo hành, chủ đầu tư và các nhà thầu thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về xây dựng và các thỏa thuận ký kết.
2. Khi phát hiện năng lực nhân sự của các nhà thầu liên quan trong quá trình thi công không đáp ứng yêu cầu, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thay thế nhân sự để đảm bảo quản lý chất lượng xây dựng công trình. Nếu nhà thầu không thực hiện thì ngừng thực hiện hợp đồng và báo cáo người có thẩm quyền xem xét quyết định.
Điều 21. Trách nhiệm, quyền của chủ đầu tư khi tự thực hiện thi công xây dựng công trình
1. Trường hợp chủ đầu tư tự thực hiện thi công xây dựng công trình thì thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 75 Luật Xây dựng và quy định của Thông tư này.
2. Quyền, nghĩa vụ của Chủ đầu tư
a) Tổ chức nhân sự đáp ứng điều kiện theo quy định thành bộ phận chuyên để thực hiện thi công xây dựng;
b) Thực hiện theo quy định tại các điều 16, 17, 18, 19, 20 Thông tư này với vai trò là chủ đầu tư;
c) Tuân thủ quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 44 Nghị định số 85/CP;
d) Thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 76 Luật Xây dựng;
e) Thực hiện quy định tại Điều 82, Điều 84 Luật Xây dựng.
3. Quyền, nghĩa vụ của bộ phận chuyên môn thực hiện thi công xây dựng thực hiện theo quy định tại các điều 16, 17, 18, 19, 20 Thông tư này với vai trò đơn vị thi công xây dựng.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 22. Chế độ báo cáo, giám sát, đánh giá đầu tư
1. Người quyết định đầu tư các dự án thuộc diện ủy quyền và chủ đầu tư có trách nhiệm gửi về Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật các quyết định và văn bản liên quan kèm theo hồ sơ dự án do mình phê duyệt ngay sau khi quyết định có hiệu lực thực hiện.
2. Việc giám sát và đánh giá đầu tư thực hiện theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 về giám sát và đánh giá đầu tư; Thông tư số 08/2011/TT-BCA ngày 18/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về giám sát và đánh giá đầu tư trong Công an nhân dân.
Điều 23. Xử lý các hồ sơ đang thực hiện
1. Đối với các dự án đã được phê duyệt, nhưng chưa bố trí được vốn thực hiện dự án trong thời gian dài, thuộc một trong các trường hợp sau thì tổ chức phê duyệt lại (việc phê duyệt lại thực hiện theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an):
a) Mục tiêu, quy mô đầu tư thay đổi.
b) Địa điểm thay đổi.
c) Tổng giá trị tăng làm vượt tổng mức đầu tư của dự án đã duyệt.
2. Dự án đã triển khai lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, tổng dự toán đã được Bộ trưởng hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (nay là Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật) hoặc Cục trưởng Cục V26 (nay là Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) phê duyệt, nay chủ đầu tư xét thấy cần điều chỉnh trong phạm vi các nội dung được phép điều chỉnh thì chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định phê duyệt và báo cáo kết quả về cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư. Trường hợp giá trị sau điều chỉnh vượt tổng mức đầu tư đã duyệt thì lập hồ sơ bổ sung trình người quyết định đầu tư (theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an) xem xét, quyết định trước khi phê duyệt thiết kế, dự toán.
3. Đối với các dự án đã được duyệt kế hoạch đấu thầu trước khi Thông tư này có hiệu lực, trong kế hoạch đấu thầu có nội dung cần điều chỉnh để thực hiện đúng với Thông tư này, chủ đầu tư trình người quyết định đầu tư (theo quy định của Thông tư này) xem xét, phê duyệt để làm căn cứ thực hiện.
4. Đối với các dự án chưa phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án, thì việc tổ chức đấu thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Điều 24. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/11/2011 và thay thế Thông tư số 40/2009/TT-BCA-H11 ngày 30/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện quản lý đầu tư xây dựng công trình theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 và Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng. Các văn bản trước đây do Bộ Công an ban hành trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Điều 25. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh, các đơn vị phản ánh về Bộ Công an (qua Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật) để kịp thời hướng dẫn.

 

Nơi nhận:
- Các đ/c Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ;
- CA các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy;
- Lưu: VT, H41.
BỘ TRƯỞNG




Trung tướng Trần Đại Quang

Thông tư 65/2011/TT-BCA của Bộ Công an quy định về quản lý dự án đầu tư, đấu thầu xây dựng công trình trong Công an Nhân dân

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

STTTiêu đề văn bảnNgày thángNơi ban hành
1

Công văn 14281/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan về việc vướng mắc thực hiện dự án đầu tư

09/12/2014BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN
2

Thông tư 07/2014/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

01/12/2014 BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
3

Quyết định 1995/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015-2020

10/11/2014THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
4

Công văn 3997/TCT-DNL của Tổng cục Thuế về chính sách thuế

28/10/2014 BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ
5

Thông tư 136/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 122/2013/TT-BTC ngày 28/08/2013 của Bộ Tài chính

28/10/2014BỘ TÀI CHÍNH
6

Thông báo 417/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án lớn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

28/10/2014VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
7

Nghị định 95/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ

28/10/2014CHÍNH PHỦ
8

Công văn 6142/UBND-CT của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc quy định cấm, hạn chế đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có hệ thống nước thải tập trung

08/09/2014ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
9

Công văn 9110/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan về việc xác định ưu đãi đầu tư

06/08/2014BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN
10

Công văn 396/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm quyền quyết định các dự án đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

21/07/2014THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
11

Quyết định 1131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục Dự án do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ

18/07/2014THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
12

Quyết định 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục Dự án do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ

17/07/2014THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
13

Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ về việc phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nhà nước Pa-le-xtin về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau

20/06/2014CHÍNH PHỦ
14

Nghị quyết 37/NQ-CP của Chính phủ về việc ký Hiệp định Đầu tư trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ

20/06/2014CHÍNH PHỦ
15

Quyết định 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục Dự án do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ

01/04/2014THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
16

Công văn 264/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ về việc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước sông Đuống

19/03/2014THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
17

Công văn 1142/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ về việc Dự án Ứng dụng điện mặt trời vay vốn ODA Phần Lan

27/02/2014VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
18

Công văn 1012/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về việc Fitch công bố mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam năm 2014

27/02/2014VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
19

Công văn 574/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ về việc đầu tư dự án đường liên cảng huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai theo hình thức đối tác công - tư (PPP)

27/02/2014VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
20

Công văn 97/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đầu tư tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

27/02/2014THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ