Chào mừng Quý Khách đến với Công ty luật Hoàng Minh

Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án Nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp

BỘ TƯ PHÁP - BỘ NGOẠI GIAO TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
------------------
Số: 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------
Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2011
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP
TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ CỦA LUẬT TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Tương trợ tư pháp số 08/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Để áp dụng đúng và thống nhất Luật Tương trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp như sau:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn áp dụng một số quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự; xử lý kết quả tương trợ tư pháp về dân sự và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong tương trợ tư pháp về dân sự của Luật Tương trợ tư pháp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam: cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự với Việt Nam.
Điều 3. Áp dụng pháp luật nước ngoài trong tương trợ tư pháp về dân sự
1. Việc áp dụng pháp luật nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tương trợ tư pháp được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài quy định về vấn đề này;
b) Việc áp dụng pháp luật nước ngoài không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế;
c) Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đề nghị áp dụng pháp luật của nước đó.
2. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Trong trường hợp không đủ điều kiện để áp dụng pháp luật nước ngoài, Bộ Tư pháp trả lời bằng văn bản cho nước đã yêu cầu biết.
Điều 4. Áp dụng nguyên tắc có đi có lại
1. Áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam:
a) Trường hợp Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự mà giữa Việt Nam và nước đó chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự hoặc chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại đối với các nội dung liên quan thì Tòa án cần có công văn gửi Bộ Tư pháp đề nghị áp dụng nguyên tắc có đi có lại kèm theo hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự.
b) Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tư pháp gửi công văn kèm hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại.
c) Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Bộ Ngoại giao xem xét và đưa ra một trong các quyết định quy định tại các điểm d hoặc đ khoản 1 Điều này. Đối với trường hợp cần thiết phải lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì thời hạn này không quá hai mươi ngày.
d) Trường hợp quyết định đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì Bộ Ngoại giao gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kèm theo Công hàm của Bộ Ngoại giao đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Trong Công hàm cần đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có văn bản trả lời chính thức về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam.
đ) Trường hợp quyết định không đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì Bộ Ngoại giao gửi trả lại hồ sơ cho Bộ Tư pháp và nêu rõ lý do.
e) Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi hồ sơ đề nghị áp dụng nguyên tắc có đi có lại cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
g) Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được trả lời chính thức của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi văn bản thông báo về Bộ Ngoại giao. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo về việc này cho Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao biết và phối hợp.
h) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài được yêu cầu tương trợ tư pháp đồng ý áp dụng nguyên tắc có đi có lại với những điều kiện kèm theo, thì Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến với Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao. Thủ tục thống nhất ý kiến được thực hiện tương tự như quy trình xem xét, quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài:
a) Trường hợp Bộ Ngoại giao nhận được đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự mà giữa Việt Nam và nước đó chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự hoặc chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại đối với các nội dung liên quan. Bộ Ngoại giao gửi công văn, kèm theo hồ sơ liên quan (nếu có), đề nghị Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao phối hợp xem xét việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại.
b) Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến bằng văn bản về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trên cơ sở các căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch này hoặc hai mươi ngày đối với trường hợp đặc biệt.
c) Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại và trả lời bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có yêu cầu và gửi một bản sao văn bản đó cho Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao để phối hợp. Trường hợp Bộ Ngoại giao quyết định đồng ý áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì trên cơ sở hồ sơ đã gửi (nếu có), Bộ Tư pháp làm thủ tục tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền để thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định tại Điều 15 Luật Tương trợ tư pháp và điểm a khoản 3 Điều 20 Thông tư liên tịch này.
Điều 5. Căn cứ xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại
Việc xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp với nước ngoài dựa trên các căn cứ sau:
a) Sự cần thiết, nhu cầu của Việt Nam đối với việc tương trợ tư pháp trong từng trường hợp cụ thể hoặc trong quan hệ chung với nước có liên quan;
b) Không trái với pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với pháp luật, tập quán quốc tế;
c) Sự phù hợp về yêu cầu đối ngoại, tác động chính trị, kinh tế, xã hội và những tác động khác, nếu có;
d) Sự ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, cá nhân, pháp nhân Việt Nam có liên quan.
Điều 6. Ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp về dân sự
1. Ngôn ngữ sử dụng để lập hồ sơ yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự hoặc yêu cầu Việt Nam thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật Tương trợ tư pháp.
2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự mà Việt Nam và nước đó chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự thì ngôn ngữ thực hiện tương trợ tư pháp là tiếng Việt. Hồ sơ ủy thác tư pháp và bản dịch sang tiếng Việt phải được chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo điều ước quốc tế hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
3. Trường hợp Tòa án lập hồ sơ không xác định được ngôn ngữ tương trợ tư pháp mà nước được yêu cầu tương trợ tư pháp chấp nhuận, thì Tòa án gửi văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao xác định. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
4. Trường hợp Tòa án lập hồ sơ ủy thác tư pháp yêu cầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài thì ngôn ngữ tương trợ tư pháp là tiếng Việt. Trong trường hợp này, hồ sơ ủy thác tư pháp không phải hợp pháp hóa lãnh sự.
Điều 7. Cung cấp thông tin liên quan đến các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
Tòa án có thể gửi yêu cầu bằng văn bản tới Bộ Tư pháp để được cung cấp thông tin liên quan đến các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Bộ Tư pháp có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Điều 8. Chi phí tương trợ tư pháp về dân sự
Các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có yêu cầu tương trợ tư pháp phải nộp phí và chi phí tương trợ tư pháp. Mức phí và chi phí, đối tượng nộp, cơ quan có thẩm quyền thu; việc quản lý và sử dụng các khoản phí và chi phí được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Chương 2.
YÊU CẦU NƯỚC NGOÀI TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ DÂN SỰ
Điều 9. Thẩm quyền yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự
1. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự.
2. Trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, nếu phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự thì Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập hồ sơ ủy thác tư pháp theo quy định tại Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư liên tịch này, gửi tới Tòa án nhân dân cấp tỉnh để thực hiện theo thủ tục chung.
Điều 10. Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự
1. Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự phải có các văn bản quy định tại Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp, cụ thể như sau:
a) Văn bản yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
b) Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự quy định tại Điều 12 Luật Tương trợ tư pháp theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
c) Giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu ủy thác;
d) Các giấy tờ, tài liệu khác phục vụ cho việc thực hiện ủy thác tư pháp (Ví dụ: Thông báo về việc thụ lý vụ án; Quyết định ủy thác thu thập chứng cứ; Bản án, Quyết định của Tòa án …),
2. Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự được Tòa án lập theo cách thức sau đây:
a) Hồ sơ ủy thác tư pháp phải do Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm ký trừ các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, được lập thành ba bộ và gửi tới Bộ Tư pháp.
b) Văn bản yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự do Tòa án lập phải là bản chính và các văn bản, giấy tờ, tài liệu khác phục vụ cho việc thực hiện ủy thác tư pháp là bản chính hoặc bản sao. Bản sao và bản dịch của các văn bản, giấy tờ, tài liệu này phải được chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
c) Trường hợp vụ việc cần ủy thác tư pháp cho nhiều đương sự có nội dung ủy thác khác nhau hoặc có địa chỉ khác nhau hoặc khác quốc tịch thì Tòa án phải lập riêng hồ sơ ủy thác tư pháp cho từng đương sự.
d) Trường hợp yêu cầu tương trợ tư pháp đối với đương sự là người vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài thì Tòa án lập hồ sơ ủy thác như trường hợp thực hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài khi Tòa án xác định quốc tịch hữu hiệu của đương sự là quốc tịch Việt Nam và nếu không trái với pháp luật nước ngoài hoặc nước ngoài không phản đối.
Điều 11. Điều kiện hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự
Hồ sơ ủy thác tư pháp được coi là hợp lệ khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Hồ sơ ủy thác tư pháp đã được lập theo đúng quy định tại Điều 11 và Điều 12 Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư liên tịch này.
2. Hồ sơ ủy thác tư pháp đã được lập theo ngôn ngữ quy định tại Điều 5 Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch này.
3. Hồ sơ ủy thác tư pháp đã được lập đủ số lượng theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư liên tịch này.
4. Cá nhân, tổ chức đã nộp chi phí thực hiện tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự.
Điều 12. Trình tự, thủ tục nhận và gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự tại Bộ Tư pháp
Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp do Tòa án gửi đến, Bộ Tư pháp có trách nhiệm vào Sổ hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự (phần ủy thác tư pháp đi), kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp, Điều 11 Thông tư liên tịch này và đưa ra một trong các quyết định sau đây:
1. Trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp đầy đủ và hợp lệ:
a) Chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cho Bộ Ngoại giao theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên;
b) Chuyển hồ sơ cho Bộ Ngoại giao để xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch này nếu giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự hoặc chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại.
2. Trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp không đầy đủ và hợp lệ:
Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ ủy thác tư pháp cho Tòa án đã lập hồ sơ và nêu rõ lý do.
Điều 13. Trình tự, thủ tục và thời hạn tiếp nhận, gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự tại Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
1. Đối với trường hợp Bộ Ngoại giao thực hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc theo quy định của điều ước quốc tế liên quan thì thời hạn chuyển hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ do Bộ Tư pháp chuyển đến.
Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm triển khai việc thực hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
2. Đối với trường hợp thực hiện ủy thác tư pháp theo nguyên tắc có đi có lại thì thời hạn và quy trình thực hiện tại Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại điểm c và điểm e khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch này.
Điều 14. Xử lý kết quả ủy thác tư pháp tại Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
1. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày thực hiện xong việc ủy thác tư pháp hoặc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, biên bản tống đạt hồ sơ ủy thác tư pháp cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo về Bộ Ngoại giao.
2. Trong thời hạn tối đa là ba tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác của cơ quan có thẩm quyền trong nước mà cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không thể thực hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không có thông báo về kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc không trả lời đề nghị của Việt Nam về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch này thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thông báo về Bộ Ngoại giao.
3. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi về, Bộ Ngoại giao chuyển văn bản đó cho Bộ Tư pháp để chuyển cho Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Tương trợ tư pháp.
Điều 15. Xử lý kết quả ủy thác tư pháp tại Tòa án
1. Xử lý kết quả tống đạt văn bản ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài:
a) Trường hợp Tòa án nhận được văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư liên tịch này thì Tòa án tiếp tục tiến hành ủy thác tư pháp nếu xác minh được đúng tên, địa chỉ, thông tin cá nhân chính xác của đương sự ở nước ngoài.
Trường hợp Tòa án đã tiến hành mọi biện pháp nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của đương sự nước ngoài, thì Tòa án giải thích để đương sự yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định tại Chương XX và Chương XXII của Bộ luật Tố tụng dân sự. Sau khi có kết quả thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo thủ tục chung. Trong thời hạn một tháng, kể từ ngày Tòa án yêu cầu mà đương sự không yêu cầu Tòa án tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định tại Điều 168 và Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự.
b) Trường hợp Tòa án nhận được văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định tại khoản 1, 3 và 4 Điều 17 Thông tư liên tịch này thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
2. Xử lý kết quả ủy thác tư pháp cho người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài:
a) Trường hợp Tòa án nhận được kết quả thực hiện ủy thác của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo việc tên, địa chỉ, thông tin cá nhân của người cần tống đạt không đúng hoặc người cần tống đạt đã chuyển đến địa chỉ mới nhưng không rõ địa chỉ mới hoặc người cần tống đạt vắng mặt tại địa chỉ mà không rõ thời điểm trở về, thì Tòa án tiếp tục tiến hành ủy thác tư pháp lần thứ hai nếu xác minh được đúng địa chỉ, tên và thông tin cá nhân chính xác của đương sự ở nước ngoài.
Trường hợp việc thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài vẫn không có kết quả mặc dù Tòa án đã tiến hành mọi biện pháp để xác minh địa chỉ, tên và thông tin cá nhân của đương sự ở nước ngoài nhưng vẫn không xác định được thông tin chính xác thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
b) Trường hợp Tòa án nhận được kết quả thực hiện ủy thác của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo về việc người được tống đạt đã nhận được văn bản ủy thác tư pháp hoặc người được tống đạt từ chối nhận, thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp thì Tòa án tiến hành giải quyết vụ việc theo thủ tục chung.
c) Trường hợp vụ việc dân sự không thể thực hiện được việc ủy thác tư pháp do Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế hoặc không áp dụng được nguyên tắc có đi có lại, thì Tòa án đã thụ lý vụ việc tiến hành thủ tục niêm yết công khai hồ sơ ủy thác tư pháp tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của đương sự được ủy thác tư pháp (nếu có) trong thời hạn sáu tháng và đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương (kênh sóng dành cho người nước ngoài) ba lần trong ba ngày liên tiếp. Nếu hết thời hạn này mà không có tin tức của đương sự ở nước ngoài thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục chung.
3. Xử lý kết quả ủy thác tư pháp trong trường hợp tống đạt bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm:
Trường hợp Tòa án ủy thác tư pháp để tống đạt bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm cho đương sự đang cư trú ở nước ngoài mà trong thời hạn ba tháng kể từ ngày tống đạt bản án, quyết định cho người cần tống đạt hoặc thời hạn sáu tháng kể từ ngày niêm yết bản án, quyết định tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc kể từ ngày gửi hồ sơ ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp mà Tòa án không nhận được kháng cáo của đương sự ở nước ngoài, và trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị không có người khác kháng cáo. Viện kiểm sát không kháng nghị, thì bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và Tòa án không phải tiếp tục tiến hành ủy thác tư pháp.
4. Xử lý kết quả ủy thác tư pháp trong trường hợp không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp:
Sau sáu tháng kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ hai cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao mà không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì Tòa án yêu cầu ủy thác tư pháp sẽ căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã thu nhập được để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật mà không phải tiếp tục yêu cầu ủy thác tư pháp.
5. Xử lý kết quả ủy thác tư pháp trong trường hợp nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp:
Trường hợp nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ việc nếu xét thấy tài liệu, chứng cứ đã đúng vào đủ theo nội dung yêu cầu; trường hợp tài liệu, chứng cứ chưa đúng hoặc chưa đủ theo nội dung đã yêu cầu thì Tòa án tiếp tục ủy thác tư pháp theo thủ tục chung.
Chương 3.
THỰC HIỆN ỦY THÁC TƯ PHÁP CHO CÔNG DÂN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI THÔNG
QUA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
Điều 16. Thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Yêu cầu tương trợ tư pháp như tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, lấy lời khai, triệu tập người làm chứng, người giám định, cung cấp, thu thập chứng cứ và các trường hợp tương trợ tư pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam cho đương sự ở nước ngoài, được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiến hành theo thủ tục quy định tại Điều 17 Thông tư liên tịch này, Bộ luật Tố tụng dân sự, các quy định khác của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và không trái với pháp luật của nước sở tại.
Điều 17. Tống đạt văn bản ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
1. Trường hợp người được tống đạt đã nhận văn bản ủy thác hoặc người được tống đạt vắng mặt tại địa chỉ nhưng có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự ký nhận thay và cam kết giao tận tay cho người đó thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lập biên bản về việc đã thực hiện việc tống đạt. Trường hợp người được tống đạt đã chuyển đến địa chỉ mới khác với địa chỉ đã yêu cầu ủy thác tư pháp thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tống đạt đến địa chỉ mới.
2. Trường hợp tên, địa chỉ hoặc thông tin cá nhân của người được tống đạt không đúng, hoặc đã chuyển đến địa chỉ mới nhưng không rõ địa chỉ mới, hoặc vắng mặt tại địa chỉ mà không rõ thời điểm trở về thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lập biên bản về việc không thực hiện được việc tống đạt và nêu rõ lý do.
3. Trường hợp người được tống đạt từ chối nhận hồ sơ ủy thác thì người thực hiện việc tống đạt phải lập biên bản về việc từ chối nhận hồ sơ trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có chữ ký của người tống đạt, chữ ký của người được tống đạt, trong trường hợp người đó không ký vào biên bản thì cần có chữ ký của người làm chứng về việc người đó từ chối nhận văn bản.
4. Trường hợp đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà vẫn không thể thực hiện được việc tống đạt, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở của mình. Sau thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày niêm yết, nếu người được tống đạt không đến nhận hồ sơ ủy thác thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lập biên bản về việc đã thực hiện thủ tục niêm yết công khai và kết quả của việc niêm yết.
Chương 4.
THỰC HIỆN ỦY THÁC TƯ PHÁP VỀ DÂN SỰ CỦA NƯỚC NGOÀI
Điều 18. Thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp là Tòa án nơi người được tống đạt là cá nhân cư trú, làm việc hoặc nơi cơ quan, tổ chức được tống đạt có trụ sở chính;
b) Tòa án nơi người được triệu tập làm chứng, người giám định cư trú, làm việc;
c) Tòa án nơi thực hiện việc thu thập, cung cấp chứng cứ;
d) Tòa án thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự là Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 19. Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài
Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài được coi là hợp lệ khi có đầy đủ các văn bản quy định tại Điều 11 và Điều 12 Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư liên tịch này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Điều 20. Nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài
1. Bộ Tư pháp tiếp nhận hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài gửi theo quy định của điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự mà Việt Nam và nước đó là thành viên hoặc có thỏa thuận hoặc đã có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại.
2. Trường hợp Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì thủ tục tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch này.
3. Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp, Bộ Tư pháp vào Sổ hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự (phần ủy thác đến), xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và đưa ra một trong các quyết định sau đây:
a) Chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Thông tư liên tịch này hoặc cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện theo quy định tại Điều 23 Thông tư liên tịch này trong trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ.
b) Trả lại hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hoặc thông qua Bộ Ngoại giao nếu giữa Việt Nam và nước ngoài đó chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự và nêu rõ lý do trong trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp không hợp lệ.
Điều 21. Trình tự, thủ tục xử lý ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài
1. Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp, Tòa án vào Sổ hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự (phần ủy thác đến), xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và đưa ra một trong các quyết định sau đây:
a) Tiến hành thụ lý để thực hiện ủy thác tư pháp nếu vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
b) Trả lại hồ sơ cho Bộ Tư pháp trong trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
2. Tòa án áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để thực hiện ủy thác tư pháp và thông báo cho Bộ Tư pháp kết quả thực hiện ủy thác tư pháp trong thời hạn tối đa là ba tháng kể từ ngày thụ lý hồ sơ.
Điều 22. Thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài
1. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Tương trợ tư pháp, Tòa án gửi văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp do Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm ký, với số lượng ba bản cho Bộ Tư pháp.
2. Bộ Tư pháp chuyển kết quả thực hiện ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu theo quy định của điều ước quốc tế hoặc cho Bộ Ngoại giao đối với những trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp được gửi thông qua cơ quan này theo thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Tương trợ tư pháp.
3. Trong thời hạn năm ngày làm việc, Bộ Ngoại giao gửi kết quả cho cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam đã yêu cầu hoặc chuyển cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã gửi yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác của Việt Nam, nếu có yêu cầu tương trợ tư pháp hoặc thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì thực hiện quy trình và thủ tục tương trợ tư pháp tương tự như đối với Tòa án quy định tại Thông tư liên tịch này.
Điều 24. Cập nhật và thông báo về danh mục các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự có hiệu lực giữa Việt Nam và nước ngoài
Hàng năm, Bộ Tư pháp có trách nhiệm cập nhật danh mục các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự có hiệu lực giữa Việt Nam và nước ngoài và gửi cho Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 25. Cập nhật và thông báo tên các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có thỏa thuận hoặc có tiền lệ áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam về tương trợ tư pháp về dân sự
Hàng năm, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm cập nhật tên các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có thỏa thuận hoặc có tiền lệ áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và gửi cho Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 26. Trách nhiệm thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp
1. Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và thông báo kết quả việc thực hiện yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự, thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
2. Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền khác trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
Điều 27. Đánh giá, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp định kỳ hàng năm để đánh giá tình hình thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thông tin về các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam, thỏa thuận áp dụng nguyên tắc có đi có lại với các nước và pháp luật nước ngoài về lĩnh vực này, tình hình thực hiện của nước ngoài và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đối với ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam.
Điều 28. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2011.
2. Không áp dụng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các vụ việc dân sự đã được giải quyết theo quy định của pháp luật mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trừ trường hợp có những căn cứ khác.
3. Đối với những vụ việc dân sự đã được Tòa án thụ lý trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực, nhưng kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực mới xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng Thông tư liên tịch này để giải quyết.
Điều 29. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch này, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề mới thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác phản ánh về Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao để kịp thời xử lý.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Thế Liên
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NGOẠI GIAO
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Sơn
KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Trần Văn Tú
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- VP Quốc hội;
VP Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- VP TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Cơ quan TW của các Hội, đoàn thể;
- TAND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao;
- Lưu: VT (BTP, BNG, TANDTC - 10), Vụ HTQT.

Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án Nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp

Bình luận của bạn
*
*
*
*
 Captcha

STTTiêu đề văn bảnNgày thángNơi ban hành
1

Thông tư 57/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 141/2011/TT-BTC quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và

20/06/2014BỘ TÀI CHÍNH
2

Công văn 1448/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ về việc giải quyết chế độ nghỉ hưu đối với công chức, viên chức, người quản lý trong doanh nghiệp Nhà nước đang kéo dài thời gian công tác

20/06/2014BỘ NỘI VỤ
3

Quyết định 520/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

20/06/2014BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
4

Quyết định 521/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

20/06/2014BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
5

Nghị định 100/2013/NĐ-CP 03/09/2013 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

12/09/2013CHÍNH PHỦ
6

Nghị định 101/2013/NĐ-CP 04/09/2013 Quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng

12/09/2013CHÍNH PHỦ
7

Thông tư 16/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ cho học sinh, sinh viên trong các sơ sở dạy nghề

09/09/2013Bộ LĐ & TBXH
8

Quyết định 52/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định chế độ trợ cấp với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu

09/09/2013THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
9

Nghị định 77/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá

26/08/2013Chính Phủ
10

Nghị định 87/2013/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân

26/08/2013Chính Phủ
11

Nghị định 88/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam

26/08/2013Chính Phủ
12

Chỉ thị 08/CT-BGTVT năm 2013 tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Bộ Giao thông vận tải

26/08/2013Bộ GTVT
13

Chỉ thị 09/CT-TTg năm 2013 tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

26/08/2013THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
14

Chỉ thị 3004/CT-BGDĐT năm 2013 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013 – 2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

26/08/2013Bộ GD & ĐT
15

Công văn 3832/BNN-TCCB năm 2013 đánh giá tác động của việc thành lập Chi cục Chăn nuôi Thú y, Chi cục trồng trọt Bảo vệ thực vật trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

26/08/2013Bộ NN&PTNT
16

Công văn 4915/TCHQ-GSQL năm 2013 tăng cường kiểm tra, giám sát xuất nhập khẩu mặt hàng sữa do Tổng cục Hải quan ban hành

26/08/2013Bộ Tài chính
17

Công văn 2847/BNN-KTHT năm 2013 về báo cáo tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

26/08/2013Bộ NN&PTNT
18

Nghị quyết số 24/2008/QH12

26/08/2013QUỐC HỘI
19

Nghị định số 74/2009/NĐ-CP

26/08/2013CHÍNH PHỦ
20

Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC

26/08/2013VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN